Trầm cảm ở người cao tuổi: Trị bằng yêu thương

Thứ Hai, 20/05/2019 07:30 AM (GMT+7)

Trầm cảm không phải là một biểu hiện bình thường các quá trình già hoá. Cũng giống như bệnh tiểu đường và viêm khớp...trầm cảm cũng là một căn bệnh. Rất nhiều người cao tuổi bị trầm cảm mà không biết và không được điều trị.

tram-cam-o-nguoi-cao-tuoi

Biểu hiện của bệnh trầm cảm

Trầm cảm là bệnh phổ biến ở mọi lứa tuổi, nhưng người cao tuổi (NCT) có thể dễ bị trầm cảm hơn người trẻ (10% NCT ở cộng đồng có các triệu chứng trầm cảm, trong đó 1 – 2% bị trầm cảm điển hình).

Tỷ lệ này cao hơn ở những người sống trong những hoàn cảnh đặc biệt, chẳng hạn như trong các trung tâm điều dưỡng, cô đơn. Bệnh dễ xảy ra nhất ở những người đang mắc các bệnh thực thể như tiểu đường, tai biến mạch máu não, huyết áp cao, xương khớp... Các chuyên gia ước tính, tỷ lệ bị trầm cảm ở những người cao tuổi có các bệnh lý thực thể trên có thể lên 20 – 35%.

Nhận biết trầm cảm ở NCT không dễ, tuy nhiên có một số dấu hiệu quyết định như:

Về tinh thần

Bệnh trầm cảm ở người cao tuổi thường có những biểu hiện và triệu chứng về tinh thần như:

+ Chán nản và mất niềm tin kéo dài.

+ Dễ giận dữ, cảm thấy bản thân sống không có ý nghĩa.

+ Suy giảm trí nhớ, xuất hiện ảo giác.

+ Không quan tâm tới các hoạt động mà trước đây vẫn hứng thú

+ Lo âu, bồn chồn đứng ngồi không yên.

+ Cảm xúc lo âu, kể lễ, than vãn, lên cơ hoảng sợ.

+ Hãy có những suy nghĩ bi quan, không muốn sống.

+ Suy giảm trí nhớ, hay nghĩ đến chuyện không vui trong quá khứ và hiện tại.

Về thể chất

+ Mệt mỏi, chán ăn, khó ngủ hoặc có thể thức trắng đêm.

+ Táo bón kéo dài.

+ Đau lưng, đau ngực, nhức đầu nhưng uống thuốc không khỏi.

+ Rối loạn tiêu hóa, ăn uống không ngon, ăn uống thất thường.

+ Hoạt động chậm chạp, nhanh mệt.

+ Không quan tâm đến ăn mặc, vệ sinh cá nhân.

+ Tăng giảm trọng lượng cơ thể thất thường.

Nguyên nhân gây trầm cảm ở người cao tuổi

Đa số người cao tuổi đều có cuộc sống lạc quan, hạnh phúc, hữu ích cho xã hội bất chấp những thay đỏi về sinh học – tâm lý – xã hội trong con người mình, chỉ có một số ít người có vấn đề về bệnh trầm cảm đơn giản là vì họ dễ mắc hơn những người khác.

Các nguyên nhân có thể gặp là:

- Những sự kiện làm đảo lộn cuộc sống: về hưu, thay đổi chỗ ở, mất mát tài sản, con cái hư hỏng, gia đình ly tán, chết chóc,.... đều là những sự kiện có thể tác động rất mạnh đến người cao tuổi.

- Yếu tố sinh lý, sinh hoá. Các nhà khoa học cho rằng trầm cảm có thể do sự mất cân bằng sinh hoá các chất trong cơ thể khi người ta già đi, quá trình này diễn ra trong não người có tuổi và thuốc men sẽ điều chỉnh sự cân bằng của các chất hoá học này.

- Thuốc men và rượu: thuốc dùng để chữa các bệnh cơ thể của người có tuổi có thể gây ra nhiều tác dụng phụ bất lợi, uống càng nhiều thuốc thì tác dụng phụ xảy ra càng nhiều. Một số thuốc gây ra tác dụng phụ trầm cảm như thuốc chữa cao huyết áp, thuốc an thần, thuốc giảm đau, thuốc gây ngủ, ..... Đôi khi uống nhiều loại thuốc chữa các bệnh khác nhau thuốc sẽ tương tác với nhau và có loại tương tác có lợi xong cũng có loại tương tác bất lợi và gây ra bệnh trầm cảm.

Uống rượu quá nhiều cũng là một nguyên nhân gây ra trầm cảm, uống rượu và uống thuốc khác cũng gây ra tương tác bất lợi. Tương tác này xảy ra và làm cho trầm cảm trầm trọng hơn.

- Các loại bệnh tật cơ thể đồng hành cùng với trầm cảm là một vấn đề đặc thù ở người cao tuổi: Khi người già bị các bệnh thực thể như tai biến mạch máu mão, tuyến giáp, đái đường, cao huyết áp, trĩ .... Khi các bệnh thực thể này trở thành nỗi ám ảnh của người có tuổi, chữa không khỏi, rất hay xảy ra các biểu hiện của bệnh trầm cảm như lo lắng bi quan, nghi ngờ, cáu kỉnh, xuất hiện tình trạng luẩn quẩn, trầm cảm làm cho các bệnh thực thể nặng thêm và ngược lại.

Thiếu hụt Vitamin trong chế độ ăn, ít vận động đặc biệt đặc biệt ở những người có bệnh ở các cơ quan vận động cũng là một nguyên nhân gây trầm cảm ở những người có tuổi.

Đôi khi các triệu chứng của bệnh thực thể che giấu các triệu chứng cuả bệnh trầm cảm làm cho việc chẩn đoán trầm cảm ở người có tuổi trở nên khó khăn hơn. May thay, các triệu chứng cơ thể do bệnh trầm cảm gây ra thường cải thiện rõ rệt khi điều trị trầm cẩm.

- Yếu tố di truyền: ở một số người, trầm cảm có thể là một bệnh di truyền. Khi có người thân bị trầm cảm thì người đó cũng dễ mắc trầm cảm.

Chăm sóc tốt thể chất và tinh thần

NCT bị trầm cảm thường né tránh, không muốn người khác biết rằng họ cảm thấy không được khỏe. Nhưng việc nói cho người khác nghe chính là bước đầu tiên để đem lại cảm giác tốt hơn. Tốt nhất là nói cho bác sĩ hoặc một người thân của mình. Đừng âm thầm chịu đựng một mình vì điều đó sẽ làm cho bệnh nặng thêm.

Hầu hết các bệnh nhân trầm cảm có thể được cải thiện đáng kể các triệu chứng khi điều trị. Các biện pháp điều trị trầm cảm hiện nay bao gồm uống các thuốc chống trầm cảm, các biện pháp tâm lý và thư giãn luyện tập. Thuốc chống trầm cảm điều chỉnh trạng thái mất cân bằng sinh hóa trong não vì tình trạng này có thể là một yếu tố gây ra bệnh trầm cảm. Hiện nay có rất nhiều loại thuốc chống trầm cảm khác nhau, NCT sẽ được các bác sĩ kê toa thuốc phù hợp với tình trạng bệnh lý và thích hợp với từng người cụ thể, ít có các tác dụng phụ bất lợi và đặc biệt phải an toàn.

Việc dùng thuốc chống trầm cảm ở NCT cũng phải tuân thủ về hàm lượng, liều lượng và đủ thời gian vì điều này sẽ làm cho bệnh thuyên giảm, khỏi và không tái phát. Để đạt được mục đích này yêu cầu dùng thuốc liên tục từ 9-12 tháng. Chỉ ngừng thuốc khi nào có ý kiến của bác sĩ.

Ngoài ra, các liệu pháp tâm lý cũng rất hữu ích cho người bị trầm cảm. Tùy theo tình trạng bệnh mà bác sĩ đưa ra các liệu pháp thích hợp, có khi đơn giản chỉ là một buổi trò chuyện cùng bác sĩ chẳng hạn cũng giúp ích cho người bị bệnh rất nhiều. Không gì hay bằng có ai đó thông cảm để trò chuyện trong giây phút khó khăn của cuộc sống. Đối với trầm cảm nhẹ, đôi khi chỉ cần tâm lý trị liệu là đủ để khỏi bệnh.

NCT rất cần được chăm sóc cả về thể chất lẫn tinh thần. Thực tế, bệnh trầm cảm có thể suy giảm nhờ sự quan tâm, tình yêu thương từ các thành viên trong gia đình. Không nên để người cao tuổi cảm thấy cô đơn, thui thủi một mình. Do vậy, để cải thiện bệnh cho người cao tuổi, người thân trong gia đình nên tổ chức các cuộc dã ngoại, khuyến khích người cao tuổi thường xuyên đi thăm hỏi bạn bè, người thân.

Bên cạnh đó, người cao tuổi cũng nên ăn uống đầy đủ, không nên hạn chế, kiêng khem quá nhiều, có thể uống bổ sung thêm thực phẩm chức năng tăng cường sức khỏe, hỗ trợ điều trị bệnh. Vận động thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày khoảng 30 phút cũng là việc nên làm để tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần cho người cao tuổi.

Duyen

Cùng chuyên mục

Những điều cần biết khi cấy que tránh thai

Cấy que tránh thai là một phương pháp tránh thai hiện đại, có độ tin cậy cao và đang là sự lựa chọn của rất...

Những điều cần biết về vòng tránh thai nội tiết

Vòng tránh thai nội tiết có chứa progesterone, hormone này giúp ngăn chặn hoạt động của chu kỳ nội mạc tử cung do...

Những lưu ý trong đặt vòng tránh thai

Đặt vòng là phương pháp được sử dụng rộng rãi vì chi phí hợp lý, thủ thuật đơn giản và hiệu quả cao, an...

Những điều cần biết về thuốc tiêm tránh thai

Y học phát triển kèm theo các dự luật về kế hoạch hóa gia đình cũng như sự cởi mở trong lối sống khiến cho nhu...