Tránh nguy cơ suy dinh dưỡng ở người cao tuổi

Thứ Hai, 09/11/2020 09:13 AM (GMT+7)

Không chỉ trẻ nhỏ mà những người cao tuổi cũng có thể đối diện với nguy cơ suy dinh dưỡng do chế độ ăn uống chưa hợp lý.

Nguoi-gia-bi-suy-dinh-duong

Nhiều nguy cơ

Thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế) cho thấy, tại Việt Nam, tình trạng suy dinh dưỡng do thiếu dưỡng chất ở người trên 40 tuổi khá phổ biến, trung bình khoảng 20 - 30%, thậm chí có nơi trên 40%.

Bác sĩ Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở người cao tuổi là khẩu phần ăn hằng ngày không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của cơ thể. Nguyên nhân cũng có thể là người cao tuổi thể trạng sức khỏe yếu, hệ tiêu hóa giảm, hấp thu kém, hoặc do mắc bệnh mạn tính, các bệnh về răng miệng, thậm chí nghiện rượu...

Đặc biệt, theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng (Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai), những rắc rối về mặt tâm lý cũng là nguyên nhân khiến tình trạng suy dinh dưỡng của người cao tuổi trở nên trầm trọng. Một bộ phận người cao tuổi khi sống một mình thường cảm thấy cô đơn, không ai chia sẻ, nên thường ăn qua loa cho qua bữa, dần dẫn đến tình trạng thiếu chất dinh dưỡng.

Suy dinh dưỡng ở người cao tuổi không chỉ gây ra các hiện tượng như giảm cân, mệt mỏi, mất ngủ..., mà còn có thể khiến người cao tuổi phải đối diện với tình trạng suy yếu chức năng hoạt động của tim, phổi, tụy, giảm khả năng nhận thức... Với những người mắc bệnh mạn tính như bệnh tim, viêm gan, hen suyễn, xương khớp thì suy dinh dưỡng sẽ làm bệnh nặng hơn, cơ thể dễ bị suy sụp.

Những điều nói trên khiến chất lượng cuộc sống và tinh thần của người cao tuổi bị sa sút, tạo thêm nỗi lo cho người thân và nhiều khi trở thành gánh nặng của xã hội. Chưa kể, người cao tuổi bị suy dinh dưỡng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khác như tăng thời gian nằm viện, tăng tỷ lệ mắc bệnh, tăng nguy cơ tàn tật, giảm chất lượng cuộc sống và tăng tỷ lệ tử vong. Do đó, việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là rất quan trọng, đòi hỏi cả xã hội phải chung tay vào cuộc, góp phần bảo vệ sức khỏe và phát huy vai trò của người cao tuổi, thích ứng với quá trình già hóa dân số.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Chia sẻ về nguyên tắc dinh dưỡng, sử dụng thực phẩm an toàn cho người cao tuổi, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết, chế độ ăn cho người cao tuổi nên chia thành nhiều bữa; người cao tuổi cần nhai chậm, nhai kỹ thức ăn. Gia đình có người cao tuổi nên chế biến các món hấp, luộc nhừ thay vì các món rán, nướng. Người cao tuổi nên ăn các thức ăn thực vật như vừng, lạc, đậu đỗ, rau xanh, hoa quả chín; ăn ít thịt, nhiều cá, tôm; hạn chế ăn các thực phẩm có hàm lượng muối cao như các loại dưa, cà muối; không ăn quá no, nhất là vào buổi tối.

Theo khuyến nghị của các chuyên gia y tế, nhu cầu về năng lượng đối với người cao tuổi Việt Nam từ 1.700 đến 1.900 kcal/người/ngày, trong đó năng lượng từ ngũ cốc là 68%, các chất béo cung cấp 18%, các chất đạm cung cấp 14% năng lượng cần thiết. Do đó, với chế độ ăn của người cao tuổi, cần lưu ý giảm thịt, giảm chất béo và giảm muối, giảm đường. Về chất béo, nên ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật. Về chất đạm, do khả năng tiêu hóa và hấp thụ ở người cao tuổi kém nên dễ xảy ra tình trạng thiếu chất đạm, do đó, nên ăn thêm các loại đạm thực vật như lạc, vừng, đỗ... và các món chế biến từ đậu tương như đậu phụ, sữa đậu nành, tào phớ.

Người cao tuổi cần chú ý ăn nhiều rau để có chất xơ kích thích nhu động ruột, tránh táo bón. Các chất xơ trong rau quả còn có tác dụng như chổi quét hết các chất thừa, giúp cơ thể phòng chống bệnh xơ vữa động mạch. Bên cạnh đó, người cao tuổi phải chủ động uống từ 1,5 - 2 lít nước/ngày, không nên chờ khát mới uống.

Đưa ra lời khuyên dinh dưỡng cho người cao tuổi, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng cho hay, đối với người cao tuổi, ăn mặn là "kẻ thù" gây ra các bệnh thận và huyết áp, vì vậy, nên tiết chế lượng muối khi chế biến. Cần nhớ: Không nên đun đi nấu lại thực phẩm trong mùa đông vì sẽ khiến lượng vitamin hao hụt và tăng vị mặn cho thức ăn; cần chế biến thực phẩm vừa đủ cho mỗi bữa và ăn ngay sau khi nấu. Ngoài ra, người cao tuổi cần hạn chế trà, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá vì việc sử dụng nhiều những thứ này sẽ làm suy giảm chức năng gan, tổn thương phổi hoặc gây mất ngủ.

Theo Hà Nội mới

Ánh Thuận

Cùng chuyên mục

Những lưu ý cho người cao tuổi khi tập thể dục dưới trời lạnh

Việc tập thể dục vào mùa lạnh là cần thiết với người cao tuổi. Tuy nhiên cần xem xét một số yếu tố như...

Để người cao tuổi sống vui, khỏe sau khi nghỉ hưu

Khi đến tuổi nghỉ hưu cũng là giai đoạn mới trong cuộc sống, người cao tuổi có nhiều vấn đề cần phải quan...

Tải về

Các chứng bệnh thần kinh thường gặp ở người cao tuổi

Sự lão hóa của các cơ quan khi tuổi già đến, đặc biệt, sự già hóa của hệ thần kinh có thể đến sớm và trở...

Hiện tượng hạ thân nhiệt cơ thể ở người cao tuổi

Hạ thân nhiệt là tình trạng thường gặp vào mùa đông nhưng nếu không được xử trí kịp thời có thể gây ảnh...