789

Trẻ bệnh tay chân miệng tăng gấp đôi: Bệnh tay-chân-miệng cần phân biệt với bệnh nào?

Thứ Năm, 10/10/2019 07:20 AM (GMT+7)

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virus đường ruột gây ra, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm, thường có hai mùa dịch là tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 12.

tay-chan-mieng

Tại TP HCM có 6.573 trẻ mắc bệnh tay chân miệng trong tháng 9, tăng gấp đôi tháng 8 song thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, đầu năm đến nay thành phố ghi nhận gần 15.000 trẻ mắc bệnh, thấp hơn 14% so với cùng kỳ năm trước, không có trẻ tử vong. Khoảng 16% bệnh nhân phải nhập viện điều trị. Số ca bệnh tháng 9 tăng cao nhưng thấp hơn tháng 9 năm ngoái với 7.862 trường hợp.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virus đường ruột gây ra, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm, thường có hai mùa dịch là tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 12. Đây là bệnh lây qua tiếp xúc trực tiếp và với đồ vật nhiễm chất tiết của người bệnh. Hiện tại chưa có vắcxin phòng ngừa.

Trẻ em và người chăm sóc trẻ phải rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng để phòng bệnh. Không cho trẻ bốc đồ ăn, mút tay, ngậm đồ chơi. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống như ăn chín, uống chín. Vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng, tốt nhất là ngâm tráng nước sôi, không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống khi chưa khử trùng.

Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đi khám khi trẻ bị sốt, loét miệng hoặc nổi mụn nước lòng bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối. Khi trẻ bệnh, phụ huynh không nên chủ quan mà cần cách ly trẻ ở nhà, không đưa trẻ đến lớp nhằm hạn chế lây lan.

Cảnh giác các dấu hiệu như sốt cao, nổi các nốt ở tay chân và vùng miệng, ăn uống kém. Đặc biệt cần lưu ý khi trẻ ngủ không yên, chới với, hay giật mình trong lúc thiu thiu ngủ. Trẻ bệnh phải uống thuốc theo chỉ định, vệ sinh môi trường, theo dõi các biến chứng để xử trí kịp thời.

Trong tháng 10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM sẽ tổ chức các đoàn giám sát, hỗ trợ trung tâm y tế quận huyện tổ chức hoạt động phòng chống bệnh tay chân miệng trong cộng đồng và trường học.

Cách chăm sóc trẻ bị tay-chân-miệng tại nhà

Với những trẻ bị TCM thể nhẹ (chỉ có mụn nước và loét miệng), có thể chăm sóc và theo dõi điều trị ở nhà. Cụ thể:

Về dinh dưỡng: Cho trẻ uống nhiều nước mát và ăn thức ăn dễ tiêu. Không làm trẻ đau họng thêm bằng cách dùng muỗng mềm cho ăn, không cho ngậm vú nhựa, không cho ăn, uống đồ có vị chua hoặc có gia vị.

Thuốc men: Chỉ dùng thuốc paracetamol để hạ sốt và giảm đau và các thuốc khác do bác sĩ kê. Bù đủ nước cho bệnh nhân nếu có sốt cao. Vệ sinh miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn. Tại các vị trí bị thương tổn ngoài da, bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm. Có thể súc miệng bằng nước muối loãng nếu trẻ súc được.

Cách ly và thực hiện vệ sinh thân thể: Cách ly trẻ bị bệnh với các trẻ khác trong nhà. Người lớn khi tiếp xúc và chăm sóc trẻ bệnh nên mang khẩu trang y tế cho mình và cho cả trẻ bệnh, sau khi tiếp xúc nên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch ngay để hạn chế sự lây lan khi phải chăm sóc trẻ lành. Quần áo, tã lót của trẻ bệnh nên được ngâm dung dịch sát khuẩn như cloramin B 2% hoặc luộc nước sôi trước khi được giặt sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch. Vật dụng cá nhân ăn uống của trẻ như bình sữa, ly uống nước, chén ăn cơm, muỗng ăn... nên được luộc sôi và sử dụng riêng biệt cho từng trẻ. Tắm rửa và vệ sinh nhẹ nhàng thân thể cho bé hằng ngày bằng nước sạch để tránh nhiễm khuẩn.

Theo dõi sát tình trạng bệnh: Tốt nhất trong 7 ngày kể từ lúc bị bệnh, ngoài việc chăm sóc tại nhà và dùng thuốc theo đơn thì hằng ngày nên tái khám để phát hiện sớm những diễn biến bất thường. Chú ý, bệnh lây lan mạnh nhất trong tuần đầu nhưng virut có thể còn tồn trong phân vài tháng sau.

Khi nào cần cho trẻ nhập viện?

Khi thấy trẻ sốt cao, mụn nhiều là dấu hiệu nặng, nguy cơ biến chứng. Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2 - 5 của bệnh. Vì vậy khi trẻ có một trong các dấu hiệu sau thì phải đưa trẻ nhập viện ngay: sốt cao 39oC trở lên hoặc sốt cao kéo dài từ 48 giờ trở đi; quấy khóc, bứt rứt, ói nhiều; ngủ lịm, dễ giật mình, hoảng hốt, run tay chân, chới với, đi loạng choạng, mạch nhanh không tương ứng với nhiệt độ thân người; thở khó/ thở nhanh, da nổi vằn... thì cần cho trẻ nhập viện ngay.

Phòng bệnh vẫn là tốt nhất

Hiện nay vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh nên cần thực hiện tốt các biện pháp sau: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, nhất là trước và sau khi nấu ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Nếu có chăm sóc trẻ thì cần lưu ý rửa tay sau mỗi lần thay tã, làm vệ sinh cho trẻ. Vệ sinh các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi, sàn nhà bằng nước và xà phòng, rồi khử khuẩn bằng cloramin B 5% (có thể mua tại nhà thuốc). Đeo khẩu trang mũi miệng khi hắt hơi hoặc ho. Ăn chín uống sôi và khử khuẩn môi trường có trẻ bị bệnh và môi trường xung quanh. Cách ly người bệnh tại nhà cho đến khi khỏi bệnh (thường ít nhất là 7 - 10 ngày). Điều cần lưu ý với các bà mẹ là bệnh TCM lúc đầu có thể chỉ sốt nhẹ, ho khan, nổi ban... giống như các nhiễm virut thông thường khác nhưng sau đó một số ít sẽ nguy kịch nhanh. Tốt nhất là khi có bất cứ bất thường nào dù đang mùa dịch hay không cũng nên đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế gần nhà để được khám chẩn đoán và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

Bệnh tay-chân-miệng cần phân biệt với bệnh nào?

Với các bệnh có biểu hiện loét miệng như: viêm loét miệng với vết loét miệng sâu, tái phát, đáy có dịch tiết hoặc các bệnh có phát ban da: sốt phát ban, dị ứng, viêm da mủ; thủy đậu: phỏng nước nhiều lứa tuổi, rải rác toàn thân; nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu: mảng xuất huyết hoại tử trung tâm hoặc sốt xuất huyết: chấm xuất huyết, bầm máu, xuất huyết niêm mạc. Do đó cần chẩn đoán sớm và chính xác để điều trị kịp thời, tránh các biến chứng có thể xảy ra.

Duyen

Cùng chuyên mục

Nhân ngày tránh thai thế giới 26/09, cùng tìm hiểu về màng phim tránh thai

Màng phim tránh thai VCF (còn gọi là film tránh thai hay màng tránh thai) là lựa chọn biện pháp tránh thai. Nhưng màng phim...

Để cuộc nói chuyện về giới tính với con trở nên tinh tế

Giáo dục giới tính cho trẻ giúp trẻ hiểu rõ về bản thân, có khả năng tránh khỏi nhiều nguy cơ xấu. Song trong...

Những sai lầm của cha mẹ khi giáo dục giới tính cho trẻ

Xung quanh việc giáo dục giới tính cho trẻ, bản thân cha mẹ vẫn có những hiểu nhầm, từ đó việc làm thế nào...

Con xuất hiện xu hướng đồng tính, phụ huynh cần làm gì?

Mỗi cá nhân sẽ có 4 đặc điểm: Giới tính sinh học, bản dạng giới, thể hiện giới, xu hướng tính dục. Các...