Trẻ sơ sinh bị sôi bụng và những điều cần biết

Thứ Tư, 15/05/2019 08:20 AM (GMT+7)

Nhiều bà mẹ băn khoăn khi thấy con mình bị sôi bụng. Vậy trẻ sơ sinh bị sôi bụng có sao không, mẹ phải làm sao để cải thiện tình trạng này?

Biểu hiện sôi bụng ở trẻ sơ sinh

- Trẻ quấy khóc không chịu ngủ (đặc biệt là vào ban đêm)

- Không bú sữa mẹ hoặc khi bú quá no thường bị nôn ọc ra ngoài.

- Tiêu chảy nhẹ hoặc nặng.

Hiện tượng sôi bụng ở trẻ tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ do chán ăn, khó ngủ kèm theo tiêu chảy. Tình trạng này có thể tự khỏi sau 1 ngày nhưng cũng có thể kéo dài cả tuần hoặc hơn. 

tresosinh

Nguyên nhân gây sôi bụng ở trẻ sơ sinh

Nguyên nhân chính của triệu chứng sôi bụng là do chế độ dinh dưỡng của trẻ.

Với trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn, trẻ bị sôi bụng có thể là do mẹ ăn đồ lạ, thức ăn nhiều dầu mỡ khó tiêu hoặc cay nóng.

Đối với trẻ bú sữa công thức, hiện tượng sôi bụng có thể là do trẻ chưa quen với loại sữa mới hoặc bình sữa, núm vú của trẻ không được vệ sinh sạch sẽ.

Hệ đường ruột của trẻ không dung nạp lactose: Trẻ sơ sinh cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, nếu mẹ cho trẻ bú sữa công thức quá sớm hoặc lựa chọn loại sữa không phù hợp sẽ khiến hệ tiêu hóa non nớt của trẻ không dung nạp được lactose, gây ra các rối loạn tiêu hóa dẫn đến sôi bụng.

Cách pha sữa hay bế trẻ lúc cho bú không đúng có thể khiến không khí lọt vào bình sữa của trẻ, trẻ nuốt phải không khí cũng có thể dẫn đến hiện tượng sôi bụng.

Cách chữa trị và ngăn ngừa sôi bụng ở trẻ sơ sinh

Nếu thấy trẻ có dấu hiệu bỏ bú, nôn trớ sữa, quấy khóc về đêm… cần đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra tình trạng sức khỏe.

Ngay khi trẻ có dấu hiệu sôi bụng, quấy khóc, mẹ nên thay đổi tư thế bế trẻ thẳng người, cằm tựa vào vai mẹ và vỗ nhẹ lên lưng để trẻ ợ hơi hoặc đặt trẻ nằm ngửa xuống giường, sau đó gập đầu gối bé liên tục.

Mẹ có thể massage nhẹ vùng bụng của trẻ theo chiều kim đồng hồ hoặc thực hiện thao tác vuốt nhẹ sống lưng của trẻ sau khi trẻ bú khoảng 30 phút.

Để đề phòng chứng sôi bụng, mẹ nên cho trẻ sử dụng những loại sữa không có chứa nhiều lactose (nếu mẹ xác định lactose là nguyên nhân khiến trẻ bị đi ngoài, tiêu chảy do cơ thể không tiêu hóa được). Cắt giảm lactose sẽ giúp trẻ tránh được tình trạng sôi bụng, đi ngoài.

Trong quá trình trẻ bú bình, mẹ cần thực hiện đúng thao tác cơ bản (lựa chọn núm vú phù hợp, điều chỉnh hướng bình sữa…) để tránh hiện tượng không khí tràn nhiều vào dạ dày của bé gây sôi bụng. Luôn rửa sạch, tiệt trùng bình sữa, dụng cụ pha sữa và núm vú trước khi cho bé bú.

Các thực phẩm mẹ ăn vào hàng ngày cũng quyết định đến sức khỏe đường ruột của trẻ bú mẹ. Vì vậy, mẹ không nên ăn các thức ăn có vị cay nóng, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ và xây dựng cho mình chế độ dinh dưỡng lành mạnh sau sinh với các loại rau, củ, quả nhiều vitamin, khoáng chất, uống đủ nước mỗi ngày để có nguồn sữa mẹ chất lượng nhất, cải thiện chứng sôi bụng khó chịu ở trẻ sơ sinh.

Phần lớn các trường hợp trẻ sơ sinh bị sôi bụng đều tự khỏi sau một vài ngày khi mẹ chăm sóc trẻ đúng cách và có chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh.

Lan Anh

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....