Triển khai chương trình sàng lọc trước sinh, sơ sinh: Vì những em bé khỏe mạnh

Thứ Hai, 09/05/2016 12:00 AM (GMT+7)

Nằm trong vùng có mức sinh thấp, do đó, TP Cần Thơ đang chuyển hướng mục tiêu chiến lược dân số, nâng mức sinh đạt mức sinh thay thế với phương châm vận động "Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con". Đồng thời Cần Thơ cũng tập trung nâng cao chất lượng dân số thông qua nhiều hoạt động, đặc biệt là chương trình Sàng lọc – chẩn đoán trước sinh và sơ sinh (SLCĐTS và SS) vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tiếp cận các kỹ thuật cao, tiết kiệm chi phí

Năm 2015, Trung tâm SLCĐTS và SS (Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ) đã gặt hái nhiều kết quả đáng ghi nhận. BSCKII Nguyễn Hữu Dự, Giám đốc bệnh viện cho biết, năm 2015, Trung tâm khẳng định năng lực đáp ứng triển khai và chuyển giao các hoạt động SLCĐTS và SS không chỉ tại TP Cần Thơ mà còn cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ năm 2015, Trung tâm được Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) giao triển khai thực hiện chương trình sàng lọc tại 12 tỉnh và kết quả sàng lọc miễn phí và xã hội hóa vượt trên 100%. Cụ thể, năm 2015, về sàng lọc trước sinh, thực hiện trên 22.500 mẫu, đạt trên 370% chỉ tiêu Tổng cục DS-KHHGĐ giao; phát hiện 640 trường hợp bất thường, chấm dứt thai kỳ 61 ca. Từ năm 2013 đến nay, tổng số sàng lọc trước sinh trên 41.000 trường hợp, phát hiện trên 1.000 trường hợp bất thường, chấm dứt thai kỳ 126 ca. Về sàng lọc sơ sinh, sàng lọc lấy máu gót chân thực hiện trên 15.000 mẫu, phát hiện 164 trường hợp nguy cơ cao (bao gồm các bệnh: Thiếu men G6PD, suy giáp bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh), trong đó chẩn đoán xác định 116/164 trường hợp nguy cơ cao. Sàng lọc tim bẩm sinh - khiếm thính thực hiện gần 10.000 ca, phát hiện 37 trường hợp nguy cơ cao. Về SLCĐSS miễn phí ở 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện khoảng 10.700 mẫu, phát hiện 228 trường hợp nguy cơ cao và chẩn đoán 58/228 trường hợp nguy cơ cao.

Hiện nay, Trung tâm SLCĐTS và SS TP Cần Thơ triển khai gần như đầy đủ các kỹ thuật so với các trung tâm khác, về số liệu thực hiện chỉ đứng sau Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) về lĩnh vực sàng lọc xã hội hóa. Trung tâm đã triển khai được các kỹ thuật sàng lọc trước sinh như: Double test, Tripple test, Thalassemia, TORCH... Năm 2015, Trung tâm triển khai thành công kỹ thuật QF-PCR chẩn đoán di truyền trước sinh, bởi thiết bị hiện đại duy nhất tại Đồng bằng sông Cửu Long, phát hiện 15/203 ca có nguy cơ cao có chỉ định chọc ối.

Qua 3 năm hoạt động đến nay, Trung tâm đã đáp ứng nhu cầu về SLCĐTS và SS của thai phụ, giúp họ tiếp cận các kỹ thuật cao, không tốn chi phí đi lại. Việc phát hiện sớm dị tật giúp việc điều trị và dự phòng hiệu quả, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Ý thức cộng đồng ngày càng nâng cao, qua số lượng các bà mẹ tham gia xét nghiệm sàng lọc xã hội hóa tại các bệnh viện tỉnh rất cao. Theo Quyết định số 2013/QĐ – TTg về phê duyệt Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 phấn đấu đến năm 2020, có 50% thai phụ được sàng lọc trước sinh và 80% trẻ sơ sinh được sàng lọc chắc chắn đạt và vượt.

Nhận sự đầu tư lớn từ Tổng cục DS-KHHGĐ và địa phương

Thời gian qua, Trung tâm SLCĐTS và SS nhận sự đầu tư rất lớn của Tổng cục DS-KHHGĐ và địa phương. Từ năm 2013 đến nay, Tổng cục DS-KHHGĐ đã đầu tư gần 18 tỉ đồng mua sắm trang thiết bị, năm 2016 tiếp tục thêm 6 tỉ đồng. Riêng TP Cần Thơ đầu tư 40 tỉ đồng bao gồm quỹ đất và xây dựng Trung tâm.

Theo BS Nguyễn Hữu Dự, với cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực hiện nay đủ để thực hiện chương trình giai đoạn 2016 – 2018. Tuy nhiên, từ năm 2019 cần đầu tư nguồn lực về cơ sở, nhân lực và trang thiết bị để đáp ứng nhu cầu trong vùng.

Bên cạnh những thuận lợi, hiện Trung tâm vẫn đối mặt với một số khó khăn. Đó là mô hình làm việc của Trung tâm còn lồng ghép với bệnh viện, chưa có biên chế riêng nhưng phải thực hiện giám sát và hỗ trợ cho 12 tỉnh thực hiện đề án. Hiện vẫn chưa có khung giá SLCĐTS và SS của Bộ Y tế. Do đó, các tỉnh còn cân nhắc thực hiện do chưa áp được giá thu, trong khi nhu cầu nhân dân rất lớn, thai phụ các tỉnh phải tốn kém chi phí đi lại để đến Cần Thơ hoặc TPHCM thực hiện dịch vụ. Nhu cầu sàng lọc trước sinh không xâm lấn NIPT lớn, nhưng các trung tâm chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện.

BS CKII Nguyễn Hữu Dự chia sẻ: "Năm 2016, Trung tâm đề ra nhiều mục tiêu giúp thai phụ và bà mẹ tiếp cận được các dịch vụ kỹ thuật trong SLCĐTS và SS". Theo đó, triển khai thực hiện tốt việc SLCĐTS và SS miễn phí và xã hội hóa tại 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long theo đề án. Về cơ sở vật chất, Trung tâm được thành phố đầu tư xây mới tòa nhà kiên cố trên đường Tôn Thất Tùng, cạnh Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ. Về trang thiết bị, Tổng cục DS-KHHGĐ tiếp tục đầu tư vốn gần 6 tỉ đồng và thành phố gần 15 tỉ đồng mua máy siêu âm hiện đại, thiết bị chẩn đoán Thalassemia...”.

Đối với kỹ thuật mới, trong năm 2016, Trung tâm tiếp tục sàng lọc trước sinh bằng giọt máu khô để triển khai cho các tỉnh trong khu vực và các huyện, phối hợp với các trung tâm triển khai sàng lọc – chẩn đoán rối loạn chuyển hóa bẩm sinh, sàng lọc trước sinh không xâm lấn NIPT; tập trung đào tạo bác sĩ chuyên gia về chẩn đoán hình thái thai, phát hiện dị tật bào thai sớm, bác sĩ chẩn đoán di truyền, Thalassemia, rối loạn chuyển hóa bẩm sinh…

Phát hiện kịp thời những bệnh lý về nội tiết

Sàng lọc sơ sinh, sau sinh là một trong những việc làm vô cùng quan trọng trong việc cải thiện tương lai cho con em mình, nhưng hiện nay ở nước ta vẫn còn nhiều cha mẹ chưa biết đến điều này. Chỉ cần lấy vài giọt máu gót chân sau đó làm xét nghiệm sàng lọc sau sinh sẽ giúp phát hiện kịp thời những bệnh lý về nội tiết, rối loạn chuyển hóa gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển sau này của trẻ nhỏ. Tại sao phải cần làm sàng lọc sau sinh ?

Theo GS Nguyễn Thu Nhạn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương: "Phần lớn các bệnh lý rối loạn nội tiết – chuyển hóa và di truyền trong thời kỳ sơ sinh hay một số năm đầu của đứa trẻ thường chưa bộc lộ rõ ràng, rất khó phát hiện và chẩn đoán, điển hình như bệnh thiểu năng giáp bẩm sinh. Đến khi có dấu hiệu lâm sàng và xét nghiệm đã được chứng minh thì đã là giai đoạn muộn, không còn khả năng hồi phục hoàn toàn, đặc biệt đối với chức năng hoạt động của hệ thần kinh trung ương, trí tuệ và tinh thần của trẻ".

Hiện tại, trên thế giới, việc sàng lọc sơ sinh thường được xã hội hóa, bắt đầu từ việc truyền thông ý nghĩa to lớn của nó tới người dân, để mọi người hiểu đó là quyền lợi gắn liền với từng gia đình. Họ sẽ bỏ ra một ít tiền để sàng lọc bệnh cho con, chữa trị cho trẻ, nếu không sẽ phải gánh một con người tàn tật suốt đời. Theo các chuyên gia: Bệnh suy giáp trạng bẩm sinh có tính chất nghiêm trọng, khiến trẻ không lớn được, đần độn, tỷ lệ mắc khá cao, cứ 3.000-5.000 bé thì có một trẻ bị. Hiện nay mỗi năm chỉ phát hiện được 7%, còn lại ở cộng đồng thường bị nhầm lẫn là bệnh do chất độc màu da cam, bệnh não. Thuốc điều trị suy giáp trạng rất rẻ, trẻ được dùng thuốc ngay khi mới sinh sẽ trở nên hoàn toàn bình thường.

Theo Báo GiadinhNet

System

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...