Từng bước giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Thứ Ba, 18/02/2020 04:51 PM (GMT+7)

Hòa Bình là 1 trong 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh (GTKS) cao nhất cả nước. Trước thực trạng đó, tỉnh thực hiện nhiều giải pháp can thiệp giảm thiểu mất cân bằng GTKS. Nhờ vậy, tình trạng mất cân bằng GTKS trên địa bàn tỉnh giảm dần.

 Nếu như năm 2016, tỷ số GTKS của tỉnh là 115,3 trẻ trai/100 trẻ gái thì đến nay, tỷ lệ này giảm còn 112,8 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống.

mat-can-bang-gioi-tinh

Cán bộ Chi cục DS-KHHGĐ tuyên truyền về hệ lụy của việc mất cân bằng giới tính khi sinh tại xã Hợp Tiến (Kim Bôi).

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Phương, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ cho biết: Để từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số GTKS, UBND tỉnh đã ban hành Đề án kiểm soát mất cân bằng GTKS giai đoạn 2016 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Đây là căn cứ quan trọng để ngành Y tế, đội ngũ cán bộ dân số, các cấp, ngành có điều kiện triển khai khoa học, đồng bộ các hoạt động nhằm giảm thiểu mất cân bằng GTKS. Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của BCH T.Ư Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI xây dựng chương trình hành động, trong đó mục tiêu đến năm 2025 tỷ số GTKS đạt tỷ lệ dưới 112 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống; phấn đấu chậm nhất đến năm 2030 đạt tỷ lệ 107 bé trai/100 bé gái sinh ra sống.

Nhằm giảm tỷ số GTKS, ngành Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng truyền thông về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng mất cân bằng GTKS; các quy định của pháp luật nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Hình thức tuyên truyền phải đa dạng, phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Qua đó, nâng cao nhận thức cho nhân dân, nhất là các cặp vợ chồng sinh con một bề là gái và nam, nữ thanh niên đến tuổi kết hôn.

 Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật nghiêm cấm hành vi lựa chọn, loại bỏ thai nhi vì lý do giới tính tại các cơ sở y tế; kiên quyết xử lý các cơ sở y tế thực hiện nạo phá thai liên quan đến phân biệt giới tính và dịch vụ siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi. Tổ chức tập huấn kiến thức kỹ năng tuyên truyền, tư vấn về vấn đề mất cân bằng GTKS cho cán bộ Phòng DS-KHHGĐ các huyện, thành phố. Tỉnh duy trì, tổ chức gặp mặt những gia đình sinh con một bề là gái làm kinh tế giỏi, các cháu có thành tích học tập tốt tại các huyện như Cao Phong, Yên Thủy, Lạc Thủy… Các xã, phường đưa nội dung nghiêm cấp lựa chọn giới tính thai nhi vào quy ước, hương ước để thực hiện… Đồng thời, duy trì sinh hoạt thường xuyên câu lạc bộ tiền hôn nhân tại các địa phương để tuyên truyền, tư vấn về sức khỏe hôn nhân nhằm nâng cao kỹ năng ứng xử, giúp thanh niên có cơ hội tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.

 Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở, tình trạng mất cân bằng GTKS trên địa bàn tỉnh đã giảm. Năm 2016, tỷ số GTKS của tỉnh là 115,3 trẻ trai/100 trẻ gái, năm 2017 là 115,1 trẻ trai/100 trẻ gái, năm 2018 là 113,9 trẻ trai/100 trẻ gái, năm 2019 giảm xuống 112,8 trẻ trai/100 trẻ gái.

Tỷ lệ mất cân bằng GTKS có xu hướng giảm ở tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh. Huyện Yên Thủy và Lạc Thủy là 2 huyện có tỷ số GTKS cao đến nay đã giảm mạnh. Tại huyện Yên Thủy, năm 2017, tỷ số GTKS là 116 trẻ trai/100 trẻ gái, năm 2019 còn 101,6 trẻ trai/100 trẻ gái. Tại huyện Lạc Thủy, năm 2017, tỷ số GTKS ở mức rất cao 123 trẻ trai/100 trẻ gái, năm 2019 giảm còn 107 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Trưởng phòng DS-KHHGĐ huyện Yên Thủy, để đạt được kết quả tỷ số GTKS giảm còn 101,6 trẻ trai/100 trẻ gái là nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân toàn huyện. Huyện luôn quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân số; công tác tuyên truyền, giáo dục về mất cân bằng GTKS được đẩy mạnh. Việc nghiêm cấm lựa chọn GTKS được đưa vào hương ước, quy ước của khu dân cư.

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng dân số, kiểm soát có hiệu quả tình trạng mất cân bằng GTKS, tỉnh tiếp tục thực hiện một số giải pháp: Tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 21 về công tác dân số trong tình hình mới; triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chương trình hành động số 21 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 21. Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện các giải pháp giảm tỷ số GTKS. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bình đẳng giới…

Duyen

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...