Vì sao người già hay bị khô miệng, khô họng?

Thứ Ba, 25/06/2019 11:14 AM (GMT+7)

Với những trường hợp bị khô họng, người bệnh sẽ có cảm giác cổ họng rát hoặc ngứa, khó chịu, luôn cảm thấy vướng ngay họng, gây ngứa mà không thể khạc hay ho ra. Do đó, người bệnh thường ho nhiều, nhất là vào ban đêm hay khi mới ngủ dậy.

kho-mieng

Khô miệng, khô họng là tình trạng có thể gặp ở nhiều lứa tuổi.Tuy nhiên, với những bậc cao niên, do ảnh hưởng từ một số bệnh lý ở tuổi già, tình trạng này thường gặp hơn nhiều.Người cao tuổi nên lưu ý, nếu tình trạng khô miệng, khô họng lâu lâu mới xảy ra thì cần chú ý thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt, uống nhiều nước, tránh ăn nhiều thực phẩm cay, nóng. Tuy nhiên, nếu liên tục cảm thấy khô miệng, khô họng, tình trạng này xuất hiện mỗi ngày thì nên nhanh chóng đi khám để được bác sĩ kiểm tra và can thiệp sớm.

Tăng nguy cơ mắc bệnh răng miệng

Bình thường, tuyến nước bọt sẽ tiết ra một lượng nhất định giúp miệng luôn có cảm giác ẩm ướt. Trong trường hợp nước bọt tiết ra không đủ, sẽ gây nên tình trạng khô miệng. Ở một số người, khô miệng còn đi kèm với khô da, môi dễ bị khô nứt nẻ, lưỡi cảm thấy khô ráp. Khô miệng không chỉ gây khó chịu ở miệng mà còn khiến bệnh nhân cảm thấy ăn uống mất ngon. Bên cạnh đó, khô miệng còn có thể gây hôi miệng, sâu răng hay làm tăng nguy cơ mắc bệnh nha chu.

Với những trường hợp bị khô họng, người bệnh sẽ có cảm giác cổ họng rát hoặc ngứa, khó chịu, luôn cảm thấy vướng ngay họng, gây ngứa mà không thể khạc hay ho ra. Do đó, người bệnh thường ho nhiều, nhất là vào ban đêm hay khi mới ngủ dậy.

Vì sao người già hay bị khô miệng, khô họng?

Người già thường là đối tượng của nhiều bệnh mạn tính, như: đái tháo đường, ung thư, tăng huyết áp, viêm khớp. Người cao tuổi cũng hay bị suy nhược cơ thể, dễ trầm cảm do ít tiếp xúc với nhiều người… Vì thế, họ thường phải sử dụng thuốc điều trị trong thời gian dài. Đây là một trong những lý do dễ dẫn đến chứng khô miệng ở người già.

Bên cạnh đó, người già thường lo lắng, sợ hãi, dẫn đến căng thẳng, stress vì nhiều lý do, như: ít người trò chuyện, không còn được con cái hỏi ý kiến, sợ chết, sợ bệnh tật… Đây cũng là nguyên nhân gây ra chứng khô miệng. Sức đề kháng, miễn dịch yếu, sự trao đổi chất trong cơ thể kém hơn cũng là lý do khiến người già hay bị khô miệng. Ngoài ra, có thể kể đến một số nguyên nhân khách quan khác của chứng khô miệng ở người cao tuổi, chẳng hạn như: thời tiết nóng khiến đổ nhiều mồ hôi nhưng lại uống ít nước bù lại cho cơ thể, sở thích ăn nhiều đồ mặn…

Khô họng cũng có nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể do người cao tuổi bị cảm cúm, cảm lạnh kéo dài gây nên tình trạng viêm họng mạn tính, khiến họng dễ bị khô, rát, ngứa. Cơ thể bị mất nước do sốt, tiết ra nhiều mồ hôi khi trời nắng, vận động nhiều nhưng không được bù nước, bù điện giải một cách hợp lý cũng gây khô, rát họng. Những người thường xuyên phải nói nhiều (như làm công tác giảng dạy, tuyên truyền, báo cáo viên, trình dược viên…) cũng dễ gặp tình trạng khô họng. Người cao tuổi sức khỏe suy giảm dẫn đến hệ miễn dịch cũng suy yếu, hay gặp tình trạng dị ứng (hoặc có cơ địa dễ bị dị ứng) cũng là đối tượng thường bị khô họng.

 Điều trị và cách phòng tránh

Với trường hợp bị khô họng, khô miệng liên tục, người cao tuổi cần đi khám để bác sĩ tìm hiểu rõ nguyên nhân, từ đó mới có phương pháp điều trị phù hợp. Nếu tình trạng khô miệng, khô họng không xảy ra thường xuyên, người cao tuổi có thể tự điều trị bằng cách uống nhiều nước mỗi ngày, ăn các thực phẩm chứa nhiều nước, trái cây, rau củ các loại. Đồng thời, các cụ nên tránh các loại chất kích thích, như: cà-phê, trà, thuốc lá, rượu, bia… Không uống nhiều thức uống có gas, chứa nhiều đường, tránh ăn nhiều đồ mặn.

Để hạn chế tình trạng này xuất hiện, người cao tuổi nên giữ thói quen ăn uống điều độ, uống đủ 2-2,5 lít nước mỗi ngày. Khi thời tiết thay đổi, nên mặc đủ ấm để tránh cảm lạnh. Nếu bị bệnh, nên mua thuốc hoặc đi khám để được điều trị dứt điểm, không để bệnh kéo dài. Nếu đang dùng thuốc điều trị bệnh mạn tính, người cao tuổi nên hỏi ý kiến bác sĩ để có phương pháp can thiệp phù hợp với từng loại bệnh, tránh tình trạng khô miệng, khô họng do dùng thuốc kéo dài.

Người thân cũng cần chú ý quan tâm đến tâm lý của các cụ, không để họ sống một mình. Nên để các cụ tham gia một số việc nhỏ trong nhà, như: chơi với cháu, dạy cháu học, dọn dẹp nhà cửa hoặc tham gia các hội, nhóm dành cho người cao tuổi… Giữ tâm lý luôn thoải mái, vui vẻ, hòa đồng, tránh những căng thẳng, lo âu cũng là cách giúp người cao tuổi không bị chứng khô miệng, khô họng gây khó chịu.

Ngoài ra, cần điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm trong phòng thích hợp, không để quá thấp hoặc quá cao; giữ phòng ngủ luôn thoáng mát, sạch sẽ.

Người cao tuổi có thể sử dụng một số loại nước mát, nước thanh nhiệt, mật ong pha nước ấm, nước cốt chanh… để giảm khô họng, khô miệng.

Duyen

Cùng chuyên mục

Những điều cần biết khi cấy que tránh thai

Cấy que tránh thai là một phương pháp tránh thai hiện đại, có độ tin cậy cao và đang là sự lựa chọn của rất...

Những điều cần biết về vòng tránh thai nội tiết

Vòng tránh thai nội tiết có chứa progesterone, hormone này giúp ngăn chặn hoạt động của chu kỳ nội mạc tử cung do...

Những lưu ý trong đặt vòng tránh thai

Đặt vòng là phương pháp được sử dụng rộng rãi vì chi phí hợp lý, thủ thuật đơn giản và hiệu quả cao, an...

Những điều cần biết về thuốc tiêm tránh thai

Y học phát triển kèm theo các dự luật về kế hoạch hóa gia đình cũng như sự cởi mở trong lối sống khiến cho nhu...