Vì sao virus Rota nguy hiểm với trẻ em?

Thứ Tư, 22/07/2020 03:03 PM (GMT+7)

Ở trẻ nhỏ, virus Rota gây tiêu chảy cấp, nôn mửa kéo dài và nhiều triệu chứng nặng khác. Trẻ nhỏ từ 6 tháng - 36 tháng là độ tuổi thường mắc tiêu chảy do bệnh Rotavirus.

vac-xin

Tiêu chảy do virus Rota có nguy hiểm không?

Bệnh tiêu chảy cấp là bệnh lý rất phổ biến ở trẻ em, do hệ tiêu hóa của trẻ vẫn còn non nớt, sức đề kháng kém. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,5 tỷ lượt trẻ nhỏ dưới 5 tuổi mắc tiêu chảy. Trong đó, có khoảng 4 triệu trẻ tử vong, 80% là xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Hàng năm có khoảng 2,4 triệu trẻ dưới 5 tuổi trên thế giới phải nhập viện vì tiêu chảy.

Tại các nước đang phát triển, tiêu chảy do nhiễm Rotavirus là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong bệnh lý này. Nguyên nhân chính là do tiêu chảy nặng kèm theo nôn ói kéo dài khiến trẻ bị mất nước, mất muối,rối loạn điện giải, suy dinh dưỡng, tạo thành một vòng xoắn bệnh lý, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ. Tiêu chảy cấp do Rotavirus kéo dài từ 3 - 9 ngày. Tiêu chảy gây ra tình trạng chán ăn, suy dinh dưỡng mà suy dinh dưỡng khiến sức đề kháng giảm sút, triệu chứng của bệnh lại càng tăng thêm, ảnh hưởng tới sức khỏe, sự phát triển của trẻ và gây ra tử vong cao.

Nguồn lây nhiễm virus Rota

Bất cứ ai cũng có thể nhiễm virus Rota, nhưng ở người lớn các triệu chứng thường rất nhẹ, thậm chí là không còn triệu chứng. Còn ở trẻ nhỏ, virus Rota gây tiêu chảy cấp, nôn mửa kéo dài và nhiều triệu chứng nặng khác. Trẻ nhỏ từ 6 tháng - 36 tháng là độ tuổi thường mắc tiêu chảy do bệnh Rotavirus.

Tiêu chảy do Rotavirus cũng phát triển theo mùa. Tại miền Bắc, Rotavirus hoạt động mạnh hơn vào mùa mưa ẩm, cao điểm là từ tháng 9 - tháng 11. Ở miền Nam, Rotavirus phát triển không phụ thuộc vào mùa.

Đường lây truyền chủ yếu của Rotavirus là đường phân - miệng. Người nhiễm Rotavirus truyền virus qua phân. Quá trình vệ sinh, thay tã lót hoặc phân ngấm vào đất, tay người tiếp xúc với virus, nếu không được vệ sinh kỹ càng có thể vẫn lưu giữ Rotavirus. Nếu vô tình đưa tay lên miệng có thể dẫn đến lây nhiễm virus này. Ngoài ra, Rota virus có thể lây truyền qua đường hô hấp. Do đó nó rất dễ phát sinh thành ổ dịch lớn.

 Các yếu tố nguy cơ lây nhiễm Rotavirus

Với trẻ bú bình: không vệ sinh bình bú sạch sẽ

Với trẻ đã ăn dặm: ăn bổ sung không đúng cách, thức ăn không đảm bảo vệ sinh

Cho trẻ uống nước không sạch, nước sinh hoạt bị ô nhiễm

Không vệ sinh tay sạch sẽ trước khi chế biến thức ăn cho trẻ

Xử lý chất thải của người nhiễm bệnh không đúng cách

Không rửa tay sau khi đi vệ sinh...

Triệu chứng tiêu chảy do Rotavirus

Sau khi nhiễm Rotavirus khoảng 2 - 3 ngày, trẻ sẽ xuất hiện đột ngột các triệu chứng sốt, nôn mửa rồi tiêu chảy kéo dài. Quá trình này sẽ diễn ra trong khoảng 5 - 7 ngày. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh mà các triệu chứng có thể nặng hay nhẹ. Nhiều trường hợp tiêu chảy nặng, mất nước, mất muối có thể dẫn đến tử vong.

Hai triệu chứng điển hình của nhiễm bệnh Rotavirus là nôn và đi ngoài ra nước. Thông thường, trẻ sẽ bị sốt, sau đó nôn trong khoảng vài tiếng hoặc 1 ngày rồi bắt đầu tiêu chảy. Khi bắt đầu tiêu chảy, triệu chứng nôn sẽ giảm dần.

Ngoài ra, trẻ bị nhiễm Rotavirus còn có các triệu chứng như: quấy khóc, biếng ăn, suy dinh dưỡng...

Sự ra đời của vắc xin Rota virus là một biện pháp hiệu quả để phòng tránh viêm dạ dày ruột do rota virus. Miễn dịch do mắc phải hay do uống vắc xin Rota virus sẽ giúp cơ thể tạo miễn dịch suốt đời. Vẫn có tỷ lệ trẻ mắc bệnh sau khi có miễn dịch xong ở mức độ ít trầm trọng hơn.

Để bảo vệ trẻ khỏi Rotavirus, cha mẹ cần cho trẻ chủng ngừa vắc-xin rota virus khi được 6 - 7,5 tuần tuổi. Hiện có 2 loại vắc-xin chủng ngừa Rotavirus là:

Vắc-xin Rotarix được sản xuất bởi công ty GSK, Bỉ

Vắc-xin Rotateq được sản xuất bởi công ty MSD, Mỹ.

Hai loại vắc-xin này đều được nhập khẩu từ các công ty sản xuất vắc-xin uy tín trên thế giới. Quy trình nhập khẩu, bảo quản nghiêm ngặt, đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn của tổ chức Y tế thế giới về bảo quản và lưu trữ vắc-xin..

Lịch tiêm chủng:

Vắc xin Rotarix (Bỉ): uống 2 liều; liều đầu tiên uống vào lúc 6 tuần tuổi và sau 4 tuần uống liều tiếp theo. Nên cho trẻ uống vắc xin Rota virus trước 24 tuần tuổi.

Vắc xin Rotateq (Mỹ): uống 3 liều; liều đầu tiên trong khoảng 7-12 tuần tuổi, hai liều còn lại cách nhau một tháng, liều thứ 3 phải kết thúc trước tuần thứ 32.

Đào Lan Anh

Cùng chuyên mục

Nam giới trước khi kết hôn nên làm những xét nghiệm nào?

Siêu âm tinh hoàn, tinh dịch đồ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra nhóm máu, chức năng gan, thận…...

Tải về

Phóng sự: Quan tâm chăm sóc SKSS VTN/TN:Vì một thế hệ chủ động, tự tin phát triển bản thân và xây dựng đất nước

Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang người lớn. Đây là giai đoạn...

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Nhiều phụ nữ tìm đến các biện pháp tránh thai khẩn cấp để giúp tránh thai sau khi quan hệ tình dục không an toàn....