Việc làm đối với người hết tuổi lao động

Thứ Hai, 16/11/2020 08:58 AM (GMT+7)

Người hết tuổi lao động với lợi thế về kiến thức, kinh nghiệm và các mối quan hệ xã hội có đủ năng lực để tiếp tục làm việc, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, họ cần được tạo điều kiện thuận lợi để làm những công việc phù hợp.

BS-Hà-Anh

Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Hà Anh đã làm việc nhiều năm tại Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) sau khi nghỉ hưu.

Nhiều người có nhu cầu tiếp tục làm việc

Sau khi nghỉ hưu vào năm 2018, ông Nguyễn Văn Hà (62 tuổi), tổ dân phố 19, phường Đức Giang (quận Long Biên) xin làm bảo vệ cho một khu chung cư trên địa bàn phường từ đầu năm 2019 đến nay. Chia sẻ về công việc mới, ông Hà cho hay: “Về nghỉ hưu khi con cái đã lớn, sức khỏe còn tốt, nên tôi muốn đi làm để cuộc sống thêm phần ý nghĩa”.

Trường hợp khác vẫn tích cực làm việc khi đã hết tuổi lao động là bà Trần Thị Ánh (60 tuổi), đang đảm nhận việc nấu ăn cho một doanh nghiệp tư nhân có địa chỉ tại đường Yên Xá, xã Tân Triều (huyện Thanh Trì). Theo lời kể, bà Ánh có 3 người con đã lập gia đình, nhưng cuộc sống của các con bà còn khó khăn. Chồng bà Ánh đã mất, bản thân không có lương hưu, cũng chưa có khoản tích lũy cho tuổi già, nên bà cố gắng làm việc đến khi nào sức khỏe còn cho phép để có thể có nguồn thu nhập trang trải cho cuộc sống.

Ngoài những trường hợp nêu trên, nhiều người hết tuổi lao động vẫn có nhu cầu tiếp tục làm việc vì nhiều lý do. Ông Nguyễn Hải Hữu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Công tác xã hội Việt Nam thông tin, từ tháng 6 đến 8-2020, đơn vị này tiến hành khảo sát nhu cầu việc làm đối với người cao tuổi tại một số tỉnh, thành phố. Kết quả cho thấy, hiện nay, 40-45% người hết tuổi lao động tham gia hoạt động kinh tế, trong đó có khoảng 3-4% đang là chủ doanh nghiệp, chủ trang trại.

Ngoài ra, các tỉnh, thành phố đều có hàng vạn người đã hết tuổi lao động hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giảng dạy, hoạt động văn hóa, nghệ thuật… Tương tự, theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nước ta có 60% số người trong độ tuổi từ 60 đến 69 tuổi đang tiếp tục làm việc.

Cần chính sách trợ giúp phù hợp

Nhằm phát huy khả năng của lực lượng lao động đặc thù này, các cơ quan chức năng luôn hỗ trợ, tạo điều kiện để những người hết tuổi lao động tiếp cận với cơ hội việc làm phù hợp bằng nhiều hình thức, giải pháp.

Ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho hay, Luật Người cao tuổi quy định rõ, người cao tuổi có quyền được tạo điều kiện làm việc phù hợp với sức khỏe, nghề nghiệp. Các chính sách bảo trợ, hỗ trợ người cao tuổi được lồng ghép trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội…  Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012-2020 cũng có nội dung về phát huy vai trò của người cao tuổi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để tăng thu nhập, giảm nghèo…

Qua những dẫn chứng nêu trên càng thấy rõ hơn, nhiều người đã hết tuổi lao động theo quy định, nhưng họ vẫn còn khả năng lao động và có nhu cầu làm việc, qua đó góp phần bảo đảm cuộc sống cho chính họ, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Điều này càng cần thiết hơn khi tốc độ già hóa dân số ở nước ta diễn ra nhanh.

“Nếu như năm 2010, dân số từ 60 tuổi trở lên ở nước ta mới chiếm 8,6%, thì đến năm 2019, tỷ lệ này đã tăng lên 13,6%. Dự báo, đến năm 2035, số người từ 60 tuổi trở lên ở nước ta sẽ chiếm 20% tổng dân số.… Nếu không có chính sách trợ giúp phù hợp, cuộc sống của một bộ phận không nhỏ người cao tuổi sẽ gặp nhiều khó khăn”, bà Trương Thị Ly, giảng viên Khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Công đoàn nói.

Ngoài các chính sách đã triển khai, để nhóm người hết tuổi lao động được tiếp cận với cơ hội việc làm phù hợp, bà Trương Thị Ly mong muốn các cơ quan chức năng thiết lập trung tâm giới thiệu việc làm dành cho người cao tuổi; tổ chức đào tạo và đào tạo lại trình độ chuyên môn, tay nghề cho người lao động cao tuổi, giúp họ có khả năng thích ứng với những công việc mới…

Từ kinh nghiệm tìm việc làm, ông Hoàng Văn Cự (64 tuổi), tổ dân phố Miêu Nha 2, phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm), cho hay: “Công việc mà tôi có được sau khi hết tuổi lao động chủ yếu là làm bảo vệ các khu chung cư, công trình đang xây dựng thông qua sự giới thiệu của những người quen biết. Còn trên các trang thông tin hay trung tâm giới thiệu việc làm, chủ sử dụng thường yêu cầu độ tuổi của ứng viên dưới 50 tuổi, hầu như không có vị trí việc làm nào dành cho người từ 50 tuổi trở lên. Vì thế, việc thiết lập trung tâm giới thiệu việc làm cho người cao tuổi còn đủ sức khỏe lao động là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay”.

Đồng tình với quan điểm nêu trên, ông Nguyễn Hải Hữu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Công tác xã hội Việt Nam kiến nghị, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ về sinh kế cho người cao tuổi có nhu cầu khởi nghiệp hoặc tiếp tục làm việc. Chính sách này cần có sự khác biệt giữa các nhóm đối tượng, vùng miền. Đó là chính sách cho vay vốn với lãi suất ưu đãi do Hội Người cao tuổi cấp xã bảo lãnh, không phải thế chấp tài sản; chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; chính sách miễn, giảm học phí cho người cao tuổi tham gia các khóa học về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư… Cũng theo ông Nguyễn Hải Hữu, trong quá trình xây dựng Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030, các bên liên quan nên đề cập đến nội dung trợ giúp người cao tuổi khởi nghiệp.

Khi nói đến vấn đề sinh kế và khởi nghiệp, tạo việc làm, nhiều người cho rằng nội dung này chỉ phù hợp với người trẻ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một bộ phận không nhỏ người hết tuổi lao động vẫn có nhu cầu, nguyện vọng tiếp tục làm việc. Do đó, vấn đề này cần được các bên liên quan phân tích thấu đáo, từ đó có chính sách hỗ trợ sinh kế và khởi nghiệp phù hợp đối với người cao tuổi.

Theo Hà Nội mới

Phương Dung

Cùng chuyên mục

Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng tiếp xã giao Phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam

Ngày 22/3/2024, tại trụ sở Cục Dân số, Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng đã có buổi tiếp xã giao bà Park...

Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng làm việc với Công ty Merck Health Care nhằm thúc đẩy hợp tác về dân số

Sáng ngày 22/3/2024, tại trụ sở Cục Dân số, Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng đã có buổi tiếp và làm việc...

Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng tiếp Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam

Ngày 07/3/2024, tại trụ sở Cục Dân số, Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng đã tiếp và làm việc với ông Matt...

Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng làm việc với đoàn đại biểu Đại sứ quán và Văn phòng Nội các Nhật Bản

Ngày 04/3/2024, tại trụ sở Cục Dân số, Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng đã có buổi tiếp và làm việc với...