Việt Nam: Già hóa dân số với tốc độ nhanh chưa từng thấy

Thứ Sáu, 18/12/2020 05:14 PM (GMT+7)

Theo kết quả Tổng điều tra, tình trạng già hóa dân số ở Việt Nam đang ở tốc độ nhanh chưa từng thấy: Cả nước có 11,4 triệu người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, chiếm 11,86% tổng dân số. Chỉ số già hóa tăng từ 35,9% năm 2009 lên 48,8% năm 2019.

Già hóa dân số tập trung vào nữ giới. Ảnh minh họa

Già hóa dân số ở nữ giới

Ngày 18/12, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê đã tổ chức Hội nghị Công bố kết quả nghiên cứu chuyên sâu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam nhấn mạnh một xu hướng mới: "Nữ hóa" dân số cao tuổi. Qua đó cho thấy đa số người cao tuổi là phụ nữ. Thêm vào đó, ngày càng nhiều người cao tuổi sống một mình. Do đó, già hóa dân số trở thành một vấn đề xã hội và cần nhận được sự quan tâm của cả xã hội.

Bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam

Bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và lao động, Tổng cục Thống kê cho biết, mức sinh của Việt Nam hiện nay duy trì quanh mức sinh thay thế sẽ tác động làm giảm tốc độ tăng dân số trong tương lai. Theo đó, dự báo tốc độ tăng dân số trong vòng 10 năm tới sẽ thấp hơn 1%/năm.

Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 45.900 trẻ sơ sinh gái mỗi năm

Ngoài ra, các phân tích chuyên sâu xác nhận, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh đáng kể tại Việt Nam. Vấn đề này được phát hiện lần đầu 15 năm trước. Theo ước tính, tỷ lệ giới tính khi sinh tại Việt Nam năm 2019 là 111,5 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái trong khi mức "bình thường" theo tự nhiên và sinh học là 105 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái. Theo ước tính dựa trên tình hình hiện tại, Việt Nam thiếu hụt khoảng 45.900 trẻ sơ sinh gái mỗi năm, tương đương 6,2% tổng số bé gái sinh ra năm 2019.

Mất cân bằng giới tính khi sinh. Ảnh: Tổng cục Thống kê

Việc lựa chọn giới tính thai nhi chủ yếu xuất phát từ tâm lý ưa thích con trai đã ăn sâu vào văn hóa truyền thống tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Lựa chọn giới tính trên cơ sở giới là hành vi cần phải ngăn chặn xét từ góc độ quyền con người và bình đẳng giới.

Với thực trạng về mức sinh, cơ cấu dân số cũng như tỷ số giới tính khi sinh cao như hiện nay, cơ cấu dân số trong tương lai sẽ có sự thay đổi theo hướng già hóa dân số và thiếu hụt nam giới ở một số nhóm tuổi. Dự báo cho thấy, nếu tỷ số giới tính khi sinh vẫn giữ nguyên, nam giới từ 15 đến 49 tuổi sẽ dư thừa so với nữ giới cùng nhóm tuổi vào năm 2034 là 1,5 triệu người, năm 2059 là 2,5 triệu người.

Già hóa dân số được bàn thảo tại Hội nghị Công bố kết quả nghiên cứu chuyên sâu Tổng điều tra dân số và nhà ở

"Điều này sẽ tác động lớn đến nguồn lực lao động cũng như các vấn đề xã hội mới nảy sinh. Những thông tin này cung cấp các bằng chứng quan trọng làm cơ sở cho việc xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới", Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số

PV

Thế Thành

Cùng chuyên mục

Phóng sự: Vai trò của chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn trong giải quyết vấn đề mức sinh thấp

Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế với 2,1 con/...

“Bài thuốc” thần kì sinh được con trai!!

Theo báo cáo Tổng quan về bình đẳng giới năm 2021, tỉ số giới tính khi sinh ở mức khá cao, cứ tính 111,5 trẻ năm...

Hạnh phúc của những gia đình “toàn con gái”

Gạt bỏ quan niệm phải sinh con trai để “nối dõi tông đường”, hiện nay, nhiều gia đình sinh con một bề là gái...

Tình trạng dư thừa đàn ông tại Trung Quốc và những hệ lụy

Hệ lụy của thực trạng này đã khiến Trung Quốc mất cân bằng giới tính nghiêm trọng, sự mất cân bằng này...