Xâm hại tình dục trẻ em có diễn biến hết sức phức tạp

Thứ Tư, 10/04/2019 08:47 AM (GMT+7)

Mỗi năm, cả nước có khoảng 2.000 vụ bạo hành, xâm hại trẻ em (XHTE). Trong đó, số vụ trẻ bị xâm hại tình dục (XHTD) chiếm tới 60%. Con số này chưa thể hiện hết thực trạng và đáng lo hơn nữa là không ít vụ án XHTD trẻ em có quá trình điều tra kéo dài, kết quả xét xử gây tranh cãi.

xam-hai-tinh-duc-tre-em

 

Xâm hại tình dục trẻ em có diễn biến hết sức phức tạp

Tại Hội thảo trao đổi kinh nghiệm về thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án, vụ việc xâm hại phụ nữ và trẻ em tổ chức vào ngày 9/4/2019, tại trụ sở Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đại diện Cục CSHS - Bộ công an cho biết, chỉ trong 4 năm (2014- 2018), liên quan đến vấn đề xâm hại tình dục trẻ em thì cả nước phát hiện trên 6.780 vụ, với gần 7.000 nạn nhân.

Tình trạng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có diễn biến hết sức phức tạp; xảy ra nhiều vụ như cha hiếp con, thầy giáo dâm ô với học sinh, ... nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng như hiếp rồi giết trẻ em, xâm hại nhiều lần dẫn đến nạn nhân có thai hoặc phải tự tử. Tuy nhiên, việc phát hiện, xác minh, khởi tố điều tra loại tội phạm này còn gặp rất nhiều khó khăn.

Thực trạng báo động là trước đây, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em xảy ra chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, khu vực dân cư thưa thớt, trình độ dân trí thấp thì hiện nay xuất hiện nhiều những vụ xâm hại tình dục trẻ em ở các khu đô thị, thành phố lớn.

Thủ đoạn phạm tội rất đa dạng, do người thân quen với nạn nhân dụ dỗ, đe dọa để thực hiện hành vi, hoặc lợi dụng sự thiếu quản lý, chăm sóc của gia đình, sự non nớt của trẻ em. Nhiều vụ do yêu đương và quan hệ tình dục khi nạn nhân dưới 13 tuổi, nhiều trường hợp do phong tục tập quán kết hôn của người dân tộc cũng là nguyên nhân phát sinh quan hệ tình dục giữa các đối tượng này,...

Các đại biểu đã chỉ ra một số khó khăn, hạn chế trong việc thu thập thông tin, chứng cứ, tài liệu; sự thiếu hợp tác từ phía người bị hại, gia đình người bị hại cũng là những trở ngại trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.

Nhiều kinh nghiệm, giải pháp đến từ đại biểu của VKSND tối cao, Bộ Công an, TAND tối đã được chia sẻ cũng như đề xuất, kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền để có thể đẩy nhanh quá trình điều tra, truy tố xét xử các vụ án liên quan đến xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em.

Cũng liên quan đến vần đề này, ngày 08/04/2019, TAND tối cao đã ban hành Công văn đến Tòa án nhân dân các cấp yêu cầu cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc các đạo luật mới, xét xử đúng người, đúng tội; trong quá trình xét xử cần đảm bảo các quyền của trẻ em, người chưa thành niên; chủ động phối hợp cơ quan Công an, Viện kiểm sát cùng cấp từ giai đoạn điều tra, từ đó đưa vụ án ra xét xử.

Rộng cửa thông tin, phổ biến đường dây nóng

Tại một hội thảo về nạn bạo hành, XHTE diễn ra ở TP HCM, bà Phan Thanh Minh, nguyên Trưởng Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP, bày tỏ băn khoăn khi nhiều quy định pháp luật chưa phát huy hiệu quả, chưa có tiêu chí đánh giá tổn hại tinh thần hay biện pháp can thiệp kịp thời. "Thử hỏi có bao nhiêu cán bộ phường, xã nắm hết nội dung pháp luật liên quan đến trẻ em?" - bà Minh trăn trở. Vì thế, theo bà Minh, công tác phòng ngừa luôn đóng vai trò chủ yếu trong mục tiêu giảm thiểu rủi ro, ngăn chặn các hành vi tội ác.

Theo ông Võ Phi Châu, Phòng LĐ-TB-XH quận 4 (TP HCM), UBND TP có chỉ thị tăng cường phòng chống bạo hành, XHTE từ năm 2017. Dù vậy, một số hoạt động mang nặng tính hình thức, chưa có chiều sâu (tổ chức tập huấn, công bố số điện thoại nóng). Vì thế, cơ quan chức năng, gia đình, nhà trường cần mở rộng thông tin trên mạng xã hội; tăng cường phổ biến phương pháp phòng ngừa, đối phó trên mạng internet, trong trường học.

Mới đây, Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) kêu gọi các doanh nghiệp in số điện thoại Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (111) lên bao bì, sản phẩm; sách giáo khoa, dụng cụ học tập. Cục Trẻ em kêu gọi nhiều khách sạn, công ty du lịch, rạp chiếu phim, nhà hát, cơ quan báo chí… in, phát số 111 nhằm kêu gọi mọi người lên tiếng tố giác hành vi XHTE. Nếu nhận thấy dấu hiệu trẻ gặp nguy hiểm, quy trình xử lý sẽ được kích hoạt ngay. Cụ thể, tổng đài 111 kết nối tới xã, phường, thị trấn cùng các cơ quan liên quan để xác minh thông tin, xác định mức độ vụ việc và triển khai can thiệp, hỗ trợ trẻ; ghi âm tất cả cuộc gọi làm bằng chứng khi cần; hồi đáp kết quả giải quyết vụ việc nếu người dân có nhu cầu theo dõi.

Năm 2018, Tổng đài 111 tư vấn hơn 27.400 ca (tăng 1.562 ca so với năm 2017), hỗ trợ can thiệp 806 trẻ em (tăng 222 trường hợp). Với nhiệm vụ vừa là hotline vừa là helpline, Tổng đài 111 cũng tư vấn kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

TAND Tối cao yêu cầu xử lý nghiêm tội phạm XHTD

Ngày 9-4, một nguồn tin của Báo Người Lao Động xác nhận Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ vừa ký công văn yêu cầu TAND các cấp phải phối hợp với công an và VKSND ngay từ giai đoạn điều tra các vụ án về XHTD trẻ em.

Theo đó, trong thời gian qua, các vụ án XHTD và bạo hành trẻ em có xu hướng diễn biến phức tạp và liên tục gia tăng, nhiều vụ án nghiêm trọng đã gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bên cạnh đó, việc triển khai các quy định của Bộ Luật Hình sự và các hướng dẫn trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Từ những vấn đề mới này, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em và người chưa thành niên, TAND Tối cao đã ký Công văn 68/TANDTC-PC yêu cầu chánh án TAND, tòa án quân sự các cấp... trong quá trình thụ lý các vụ án XHTD, bạo hành trẻ em cần thực hiện nghiêm các đạo luật mà Quốc hội đã thông qua. Đồng thời, áp dụng các văn bản thi hành của TAND Tối cao, liên ngành trung ương để xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; các hình phạt và biện pháp tư pháp được áp dụng nghiêm khắc. Trong quá trình xét xử cần bảo đảm các quyền của trẻ em, người chưa thành niên trên cơ sở nguyên tắc "bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi".

Ngoài ra, TAND các cấp cần chủ động phối hợp với cơ quan điều tra, VKSND cùng cấp ngay từ giai đoạn điều tra, kịp thời nắm bắt diễn biến vụ án để lên kế hoạch xét xử, bảo đảm kịp thời, đúng thời hạn luật định. Đồng thời, trong quá trình giải quyết các vụ án bạo hành, XHTD trẻ em nếu gặp những khó khăn, vướng mắc thì TAND các cấp phải ngay lập tức báo cáo TAND Tối cao để kịp thời tháo gỡ, bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị hại.

Duyen

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...