789

Xâm hại tình dục trẻ em: Những đứa trẻ bị đánh cắp tuổi thơ và khuyết tật tâm hồn khi trưởng thành

Thứ Sáu, 28/06/2019 06:54 AM (GMT+7)

Xâm hại tình dục gây tổn thương nặng nề đến thể chất và tinh thần trẻ em, thậm chí dẫn tới trẻ em bị tử vong hoặc trẻ em tự tử. Đáng lo ngại hơn cả, đối tượng xâm hại tình dục trẻ em đa phần là những người quen, họ hàng, hàng xóm.

Hàng loạt các vụ việc hiếp dâm, dâm ô trẻ em đã bộc lộ nhiều khoảng trống trong pháp luật.

Tổng hợp báo cáo của 11 bộ, ngành về kết quả thực hiện công tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em đã chỉ ra hàng loạt bất cập, vướng mắc trong công tác phòng chống xâm hại tình dục trẻ em thời gian qua. Từ việc thiếu các văn bản hướng dẫn quy định của luật; khoảng trống pháp luật trong xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi xâm hại tình dục trẻ em, thiếu quy trình tố tụng, giám định đặc biệt...

xam-hai-tinh-duc-tre-em

Khó định nghĩa dâm ô

Trong vụ án hiếp dâm bé gái 9 tuổi xảy ra hồi tháng Hai tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội), ban đầu cơ quan điều tra huyện ra quyết định khởi tố tội dâm ô với bị can dù dấu hiệu tội hiếp dâm khá rõ ràng. Sau đó, nhờ dư luận vào cuộc, cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, bắt tạm giam bị can. Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã bị kỷ luật do thái độ trách nhiệm trong xử lý.

Khi vụ việc xảy ra dư luận đã vô cùng bức xúc và đặt ra câu hỏi, tình trạng không xử đúng người đúng tội là do sợ bị oan sai, viện kiểm sát quá thận trọng hay còn yếu về nghiệp vụ? Chỉ một trường hợp mà đủ thấy tính chất phức tạp, sự lúng túng của các cơ quan điều tra trong công tác ngăn chặn nạn xâm hại tình dục trẻ em ở nước ta hiện nay.

Không thể phủ nhận các quy định về bảo vệ các em khỏi bị xâm hại tình dục của Việt Nam tương đối đầy đủ. Nước ta tham gia Công ước quốc tế về Quyền của trẻ em rất sớm, Luật Chăm sóc và giáo dục trẻ em, Bộ luật Hình sự đều có những quy định xử lý rất nghiêm khắc đối với người có hành vi xâm hại tình dục trẻ em.

Tòa án ở các địa phương cũng đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với hành vi xâm hại tình dục trẻ em, trong đó có cả những mức án chung thân, tử hình nhưng tình trạng này vẫn không giảm, thậm chí còn ngày càng nghiêm trọng. Vướng mắc hiện nay trong quá trình thực thi luật là khó phân định giữa ranh giới có tội hay không có tội do định nghĩa hành vi phạm tội quá tổng quát khiến cơ quan điều tra đôi khi chưa xử đúng người, đúng tội gây bức xúc trong nhân dân.

Hiện nay, theo quy định của pháp luật Việt Nam, mọi hành vi xâm hại tình dục trẻ em sẽ bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, quy định pháp luật vẫn còn một số “lỗ hổng,” thiếu quy định rõ ràng về hành vi dâm ô trẻ em, khiêu dâm trẻ em. Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định khung hình phạt đối với tội “Dâm ô với người dưới 16 tuổi” nhưng không đưa ra quy định cụ thể thế nào là hành vi dâm ô.

Tương tự, nội dung này cũng chưa được làm rõ trong Luật Trẻ em. Theo đó, tại khoản 8, Điều 4 Luật Trẻ em quy định: “Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.” Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến nhiều đối tượng phạm tội lợi dụng để “lách luật,” vì không phải mọi trường hợp phạm tội đều có những biểu hiện kể trên.

Theo mô tả của Bộ Luật hình sự, hành vi được quy định phạm tội có tính tổng quát cao, nếu thực hiện hành vi dâm ô với trẻ em mà không vì mục đích giao cấu thì có thể bị xử lý tội dâm ô trẻ em. Vậy thì hiểu như thế nào là hành vi dâm ô trẻ em?

Xâm hại tình dục trẻ em: Phần nổi của tảng băng trôi

Thừa nhận tính tổng quát cao trong quy định về tội dâm ô trong Bộ Luật Hình sự bà Lê Thị Hòa, cán bộ Vụ Pháp luật hành chính (Bộ Tư pháp) đã dẫn tới những cách hiểu khác nhau trong quá trình tố tụng, bà Lê Thị Hòa cho biết: “Bộ Luật Hình sự nếu muốn quy định cụ thể khái niệm dâm ô sẽ rất khó vì nó không phù hợp với kỹ thuật lập pháp hình sự lâu nay chúng ta.”

“Tòa án cũng có văn bản giải thích rõ hành vi dâm ô như mô tả sự tương tác giữa các bộ phận trên cơ thể có tính chất kích thích tình dục để thỏa mãn mục đích tạo ra các cảm giác về tình dục của mình. Đây là những hành vi được tòa án giải thích cụ thể hơn để quá trình áp dụng luật pháp chính xác, không để bỏ lọt tội phạm,” bà Lê Thị Hòa cho biết thêm.

Khái niệm dâm ô trẻ em chưa rõ ràng nên việc khởi tố nhiều vụ dâm ô trẻ em gặp khó khăn, kéo dài thời gian xử lý khiến dư luận phẫn nộ. Điển hình như vụ án ông Nguyễn Khắc Thủy có hành vi dâm ô với 4 trẻ em tại khu chung cư Lakeside (phường Nguyễn An Ninh, thành phố Vũng Tàu) phải mất tới 2 năm tòa án mới có phán quyết cuối cùng. Gần đây nhất,ông Nguyễn Hữu Linh (nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng) ôm, hôn bé gái 8 tuổi ở thang máy tại thang máy chung cư Galaxy 9 (quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh) đã bị cơ quan công an khởi tố. Thế nhưng ông Linh cho rằng hành vi của bản thân chưa đủ yếu tố cấu thành tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” theo điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo bà Phạm Thị Thu Hiền, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, cần có sự điều chỉnh sửa đổi các điều khoản liên quan đến tội danh dâm ô với trẻ em; phải quy định cụ thể thế nào là hành vi dâm ô, hành vi tình dục khác…

“Bây giờ dâm ô thành ‘nựng,’ người hiểu luật người ta sẽ biết lách luật như thế nào và cuối cùng, việc đi tìm công lý rất khó khăn,” đại biểu Phạm Thị Thu Hiền nói.

Bà Lê Hồng Loan - Trưởng phòng Bảo Vệ Trẻ em, UNICEF Việt Nam nhận định hành lang pháp lý của Việt Nam chưa quy định đầy đủ về hành vi dâm ô. Chúng ta còn quy định quá “chặt.” Hiện nay, chỉ những hành vi xâm hại mang tính chất nghiêm trọng mới bị xử lý tội dâm ô, còn những hành vi như vỗ vào mông, ôm trẻ thì không được tính là dâm ô nên chưa bị xử lý. Do đó, dư luận bức xúc yêu cầu phải sửa đổi Bộ Luật hình sự để có chế tài thích đáng với tội danh này đồng thời phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Từ thực tế hàng loạt vụ việc xảy ra chưa được xử lý thỏa đáng, nhiều ý kiến cho rằng đối với hành vi có dấu hiệu phạm tội dâm ô đối với trẻ em quy định tại điều 146 Bộ luật Hình sự, cơ quan ban hành pháp luật cần phải cụ thể hóa khái niệm, phải giải thích rõ ràng, cụ thể hơn về thế nào là hành vi dâm ô trong các văn bản pháp luật hiện hành. Đây là cơ sở quan trọng để cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, luật sư, cũng như toàn xã hội có căn cứ để xác định hành vi, đấu tranh với loại tội phạm dâm ô đối với trẻ em.

Ông Bùi Văn Xuyền, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình nhấn mạnh, cần phải miêu tả các hành vi xâm hại tình dục trẻ em bằng văn bản, trên thực tế, việc mô tả một số hành vi xâm hại tình dục trẻ em, hội đồng thẩm phán vẫn còn đang “…” để đấy.

Khoảng trống về nhận thức pháp luật

Bên cạnh những khoảng trống trong hệ thống các quy định pháp luật, một hạn chế đáng lưu ý là nhận thức pháp luật, nghiệp vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em. Sự thiếu nhạy cảm, thiếu chuyên nghiệp trong việc xử lý các vụ việc khiến thủ phạm nhởn nhơ, không bị xử lý thích đáng chính là nguyên nhân khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội nhận định: “Việc áp dụng pháp luật có vấn đề. Mỗi cán bộ tiến hành tố tụng hãy đặt mình vào vị trí bố mẹ của đối tượng bị xâm hại thì chúng ta nghĩ gì.”

“Không thể nói không có chứng cứ nên phải phạt 200.000 đồng cho hành vi cưỡng hôn trong thang máy. Nói thế là vô cảm trước nỗi đau của người dân,” ông Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đình Quyền cho rằng, rõ ràng dư luận bức xúc trong một số vụ việc vừa qua là sự bức xúc đối với sự không nghiêm minh trong thực thi pháp luật.

Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương liên tiếp xảy ra nhiều vụ án xâm hại tình dục trẻ em. Có những vụ án nghiêm trọng như như hiếp, giết trẻ em, xâm hại nhiều lần dẫn đến mang thai, xâm hại trẻ em còn quá nhỏ... Thế nhưng, nhiều vụ việc xét xử chậm, kéo dài, không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Ông Khổng Ngọc Oanh, Đội trưởng, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) chỉ ra rằng, xâm hại tình dục trẻ em là một loại tội phạm rất nhạy cảm, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và có những đặc trưng riêng, do đó lực lượng công an nói chung đặc biệt là lực lượng công an cấp cơ sở nói riêng nhận thức còn hạn chế về hậu quả tác hại lâu dài đối với nạn nhân. Họ chưa được trang bị kiến thức về pháp luật nên khó khăn, lúng túng trong công tác nhận diện tội phạm, đánh giá tội phạm và thu thập tài liệu, chứng cứ ban đầu.

“Lực lượng công an còn thiếu kỹ năng làm việc với nạn nhân, người tố giác tội phạm vì điều này đòi hỏi một phương pháp điều tra thân thiện khi làm việc với trẻ em, đảm bảo những gì tốt nhất cho nạn nhân bị xâm hại. Có thể họ làm rất đúng luật nhưng lại áp dụng một cách nguyên tắc, máy móc. Các điều tra viên cần có thêm kỹ năng làm việc, chia sẻ thông cảm với nỗi đau của nạn nhân mới không làm tái tổn thương đối với nạn nhân,” ông Khổng Ngọc Oanh nói.

Từ thực tế các vụ việc xâm hại xảy ra vừa qua cho thấy, sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý vẫn gây bức xúc dư luận, các ý kiến cho rằng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do có “khoảng trống” trong pháp luật xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại tình dục dẫn đến việc áp dụng, xử lý khiên cưỡng, thiếu chính xác, mức xử phạt chưa nghiêm.

Là một tỉnh có số dân ít nhưng trung bình mỗi năm có khoảng 10 vụ xâm hại trẻ em, nhưng chỉ riêng 6 tháng đầu năm đã xảy ra gần 10 vụ, ông Phạm Trung Trực, Phó Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình cho biết, nhiều vụ có tính chất phức tạp như bố, người thân hiếp dâm con, cháu trong thời gian dài, dẫn đến có thai và bỏ thai nhiều lần. Hầu hết các vụ xảy ra tại tỉnh đều được tập trung điều tra và đưa ra xét xử nghiêm minh.

“Tuy nhiên, công tác đấu tranh với tội phạm này còn nhiều khó khăn, trước hết là do phong tục tập quán, nhận thức của nạn nhân, người nhà nạn nhân không biết thế nào là xâm hại, dâm ô; hoặc do lo ngại ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của gia đình họ hàng nên không tố giác tội phạm. Khi phát hiện thì hậu quả xảy ra đã rất nặng nề,” ông Phạm Trung Trực cho hay.

Ông Nguyễn Văn Bốn, Trưởng phòng thực hành Công tố kiểm sát, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam từ thực tế tiến hành tố tụng các vụ việc xâm hại trẻ em đã chỉ ra rằng, hiện nay một số khái niệm theo quy định về hiếp dâm, cưỡng dâm, quan hệ tình dục, dâm ô với người độ tuổi 13 đến 16 tuổi chưa được giải thích rõ ràng nên trong thực tiễn có phần lúng túng.

“Chẳng hạn, như thế nào là quan hệ tình dục khác, thế nào là bộ phận nhạy cảm… để chưa có khái niệm cụ thể. Những hành vi như thế cần phải có sự hướng dẫn, giải thích chính thống của cơ quan có thẩm quyền như Hội đồng Thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì người thực hiện mới có thể áp dụng,” ông Nguyễn Văn Bốn nói.

Ông Nguyễn Văn Bốn khẳng định: “Gần đây, các vụ việc liên quan đến đến xâm hại tình dục của em đã được giải quyết một cách hiệu quả hơn, nhưng tội phạm phạm tình dục trẻ em vẫn như mô hình hình chóp nón, tội phạm thật thì như hình vành nón, còn tội phạm được đưa ra xét xử chỉ như chóp nón.”

Báo cáo của Bộ Công an và của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng nêu rõ khó khăn khi xử lý tố giác, tin báo và giải quyết do nạn nhân và gia đình trình báo muộn nên dấu vết sinh học, dấu vết trên thân thể nạn nhân bị phân hủy hoặc không thu thập được; nhiều điều tra viên, kiểm sát viên thiếu kinh nghiệm làm việc với trẻ em nên tạo áp lực với các em...

Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, một “lỗ hổng” nữa là chưa có quy trình tố tụng đặc biệt để xử lý tố giác, tin báo và giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em. Các báo cáo của ngành tư pháp đều nêu tính chất đặc biệt của loại án này như nạn nhân là trẻ em nên khai báo không thống nhất; xảy ra ở chỗ vắng vẻ nên thường không có người làm chứng; hành vi dâm ô ít khi để lại dấu vết; nhiều trường hợp gia đình không hợp tác do sợ ảnh hưởng đến tương lai con cái; khó khăn trong giám định...

Quy định xử lý các cơ quan, tổ chức, cá nhân không tố cáo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em; không thực hiện hoặc thực hiện chậm trễ trách nhiệm bảo vệ trẻ em khi trẻ em bị xâm hại vẫn chưa có. Đây là những “khoảng trống” trong luật pháp về bảo vệ trẻ em.

Bên cạnh lỗ hổng về mặt luật pháp, rào cản văn hóa cũng đang là một trong những yếu tố khiến xâm hại tình dục trẻ em chưa được nhìn nhận đúng mức. Vẫn còn không ít nạn nhân vì ngại ngùng, xấu hổ mà không dám lên tiếng. Vẫn còn có gia đình dù phát hiện sự việc nhưng thay vì đưa ra ánh sáng lại đã bỏ qua vì sợ điều tiếng, sợ ảnh hưởng đến tương lai của con mình. Tâm lý này đã tạo điều kiện cho nhiều kẻ phạm tội thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật.

Thậm chí, có bậc phụ huynh còn quở trách con em mình nặng nề khiến vết thương tâm lý càng hằn sâu. Chưa kể, sự kỳ thị ác ý của những người chung quanh đối với trẻ em là nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục cũng là áp lực không nhỏ, khiến nhiều em, nhiều gia đình chọn cách im lặng thay vì lên tiếng...

Có một số trường hợp, khi bị hiếp dâm do xấu hổ nên nạn nhân không tố cáo ngay. Sau khoảng thời gian dài, nạn nhân mới làm đơn tố cáo nên thu thập chứng cứ của cơ quan điều tra, xử lý vụ việc gặp nhiều khó khăn, phức tạp hơn.

Duyen

Cùng chuyên mục

Nhân ngày tránh thai thế giới 26/09, cùng tìm hiểu về màng phim tránh thai

Màng phim tránh thai VCF (còn gọi là film tránh thai hay màng tránh thai) là lựa chọn biện pháp tránh thai. Nhưng màng phim...

Để cuộc nói chuyện về giới tính với con trở nên tinh tế

Giáo dục giới tính cho trẻ giúp trẻ hiểu rõ về bản thân, có khả năng tránh khỏi nhiều nguy cơ xấu. Song trong...

Những sai lầm của cha mẹ khi giáo dục giới tính cho trẻ

Xung quanh việc giáo dục giới tính cho trẻ, bản thân cha mẹ vẫn có những hiểu nhầm, từ đó việc làm thế nào...

Con xuất hiện xu hướng đồng tính, phụ huynh cần làm gì?

Mỗi cá nhân sẽ có 4 đặc điểm: Giới tính sinh học, bản dạng giới, thể hiện giới, xu hướng tính dục. Các...