789

Xuất huyết tử cung: Những điều cần biết

Thứ Ba, 20/08/2019 02:51 PM (GMT+7)

Xuất huyết tử cung ở phụ nữ thường chỉ xảy ra khi đến kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, có thể vì một rối loạn phụ khoa nào đó mà tình trạng chảy máu trở nên khác thường so với mọi lần. Vậy hiện tượng chảy máu ở tử cung thế nào mới được gọi là bất thường?

xuat-huyet-tu-cung

Xuất huyết tử cung bất thường (Abnormal Uterine Bleeding - AUB) là một thuật ngữ mô tả tình trạng bất thường của chu kỳ kinh: thời điểm ra kinh, thời gian hành kinh, số lượng máu mất khi hành kinh…

Đây là nguyên nhân phụ khoa thường gặp nhất, chiếm 1/3 tổng số các trường hợp đến khám bệnh.

Thuật ngữ xuất huyết tử cung bất thường được Liên đoàn Sản Phụ khoa Quốc tế (International Federation of Gynecology and Obstetrics - FIGO) đề xuất vào năm 2011 để thay thế các thuật ngữ sử dụng trước đây như: rong kinh, rong huyết, kinh ít.

Nguyên nhân thường gặp nhất gây tình trạng “có kinh kéo dài và ra huyết nhiều”

- U xơ tử cung: gây tình trạng có kinh kéo dài và ra huyết nhiều thường là u xơ dạng dưới niêm. Tuy nhiên, những u xơ ở vị trí khác có thể gây tình trạng có kinh kéo dài và ra huyết nhiều.- Lạc nội mạc trong cơ tử cung: bệnh lý này thường đi kèm với thống kinh và đau vùng chậu mạn.

- Khiếm khuyết ở sẹo mổ lấy thai trong tử cung: hiện nay do tỉ lệ mổ lấy thai tăng cao nhiều người phụ nữ đã mổ 2 lần. Chính vì thế, có nhiều trường hợp có tình trạng khiếm khuyết tại sẹo mổ lấy thai. Trong những trường hợp này, bệnh nhân sẽ thường bị ra huyết kéo dài sau khi có kinh.

- Tăng sản nội mạc tử cung hoặc ung thư nội mạc tử cung. Trường hợp hiếm hơn là ung thư cơ tử cung. Tuy nhiên, trường hợp này thường ra huyết không theo chu kỳ và xảy ra ở những người phụ nữ đã mãn kinh.

- Dụng cụ tử cung TCu 380A có thể làm kinh kéo dài và ra huyết nhiều. Tuy nhiên, dụng cụ tử cung có nội tiết (Minera) thì lại làm giảm lượng máu khi hành kinh.

- Polyp nội mạc tử cung, viêm nội mạc tử cung, viêm vùng chậu cũng có thể làm có kinh kéo dài và ra nhiều. Tuy nhiên, hình thái lâm sàng thường gặp nhất của những bệnh lý này là xuất huyết giữa kỳ kinh.

- Bất thường mạch máu tử cung bẩm sinh hoặc mắc phải. Đây là nguyên nhân hiếm gặp gây có kinh kéo dài và ra huyết nhiều. Bất thường mạch máu tử cung mắc phải thường xảy ra sau khi có một thủ thuật xâm lấn vào buồng tử cung trước đó.

- Bệnh lý tuyến giáp được cho là một trong những nguyên nhân thường gặp gây ra kinh kéo dài và ra nhiều. Tuy nhiên, trong những nghiên cứu gần đây, bệnh lý tuyến giáp không phải là nguyên nhân thường gặp. Một nghiên cứu bao gồm 586 người phụ nữ bị cường giáp, 111 người phụ nữ bị suy giáp so với 105 người phụ nữ bình thường. Tỉ lệ ra huyết nhiều trong khi có kinh ở nhóm bị cường giáp là 2/586 ở nhóm bị suy giáp 0/111 và ở nhóm không bị bệnh lý tuyến giáp là 1/105 trường hợp. Tuy nhiên, một nghiên cứu khác lại cho thấy tỉ lệ bị rong kinh ở nhóm bị suy giáp cao (7/171) cao hơn ở nhóm không bị suy giáp (1/214).

Chảy máu tử cung bất thường xảy ra trong độ tuổi bao nhiêu?

Trên thực tế, hiện tượng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, tại một số thời điểm nhất định trong cuộc đời của người phụ nữ, tỷ lệ xảy ra chảy máu tử cung bất thường sẽ thấp hơn.

Cụ thể, rối loạn kinh nguyệt dẫn đến xuất huyết tử cung thường ít xảy ra hơn đối với bé gái vừa bước vào giai đoạn dậy thì (khoảng 9 - 14 tuổi). Trong giai đoạn tiền mãn kinh (thường ngoài tuổi 40), khoảng cách giữa các kỳ kinh sẽ dài hơn. Một số phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh có thể bị mất kinh, ra máu nhiều hơn hoặc ít hơn. Điều này là hoàn toàn bình thường.

Xuất huyết tử cung bất thường là dấu hiệu của bệnh gì?

Một số nguyên nhân gây ra chảy máu tử cung bất thường, bao gồm:

Quá trình rụng trứng gặp vấn đề

U xơ tử cung và polyp tử cung

Một hiện tượng bất thường khi màng trong dạ con phát triển vào trong thành tử cung

Rối loạn đông máu

Các vấn đề liên quan đến một số phương pháp ngừa thai, chẳng hạn như sử dụng dụng cụ tránh thai hoặc tác dụng không mong muốn của thuốc tránh thai

Sẩy thai

Thai ngoài tử cung

Bệnh ung thư, như ung thư tử cung.

Khi phát hiện dấu hiệu chảy máu tử cung bất thường, chị em nên đến ngay cơ sở y tế để thăm khám. Bác sĩ sản phụ khoa sẽ thực hiện chẩn đoán và kiểm tra khả năng mắc bệnh tương ứng với độ tuổi của bạn. Hầu hết các rối loạn rất dễ phát hiện, không nghiêm trọng và có thể điều trị được ngay. Một số khác có thể nghiêm trọng hơn và cần thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán chính xác.

Phối hợp với bác sĩ để chẩn đoán bệnh chính xác

Trong quá trình hỏi bệnh, bác sĩ sẽ đề cập đến tiền sử bệnh và chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Một số chị em không thể nhớ chính xác chu kỳ kinh của mình trong tháng này so với những tháng trước đó. Điều này gây không ít khó khăn trong quá trình thăm khám, chẩn đoán tình trạng chảy máu tử cung bất thường của bệnh nhân.

Do đó, chị em nên theo dõi và ghi nhận lại những thông tin quan trọng về chu kỳ kinh nguyệt của bản thân từ trước đó. Lưu ý những thông tin như ngày bắt đầu, độ dài kỳ kinh và mức độ ra máu (nhiều, vừa, ít hay chỉ lốm đốm máu). Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng những ứng dụng trên điện thoại thông minh được thiết kế dành riêng cho việc theo dõi chu kỳ kinh nguyệt.

Bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một bài tập vận động để kiểm tra thể chất. Bạn có thể phải làm xét nghiệm máu, nhằm kiểm tra các thông số của máu và nồng độ hormone, từ đó loại trừ các bệnh về máu. Ngoài ra, khi có dấu hiệu nghi ngờ, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn thử thai hoặc xét nghiệm chẩn đoán các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Đây là những nguyên nhân phổ biến gây xuất huyết âm đạo bất thường.

Chu kỳ kinh nguyệt

Theo dõi và ghi nhận thông tin về chu kỳ kinh nguyệt

Xét nghiệm chẩn đoán chảy máu vùng kín bất thường

Dựa trên thông tin khai bệnh, các triệu chứng lâm sàng và độ tuổi của bạn, bác sĩ có thể cần thực hiện thêm một số xét nghiệm cần thiết khác:

Siêu âm: Sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh của các cơ quan vùng chậu.

Nội soi tử cung: Thủ thuật đưa một đèn chiếu vào âm đạo, qua khỏi cổ tử cung và giúp bác sĩ nhìn thấy bên trong tử cung.

Sinh thiết nội mạc tử cung: Thủ thuật lấy một mẫu nội mạc tử cung ra và quan sát dưới kính hiển vi.

Siêu âm nội soi: Xét nghiệm nội soi với sự hỗ trợ của sóng siêu âm.

Chụp cộng hưởng từ hạt nhân (MRI): Tạo ra hình ảnh giải phẫu của hệ cơ quan nhờ sử dụng từ trường và sóng radio.

Chụp cắt lớp vi tính (CT): Sử dụng tia X để tạo nên hình ảnh cắt ngang của các cơ quan và cấu trúc bên trong mà không cần phải mổ.

Những phương pháp điều trị chảy máu tử cung bất thường?

Quá trình điều trị xuất huyết vùng kín rất cần sự phối hợp của bệnh nhân. Thông thường, bác sĩ sẽ giải thích căn nguyên bệnh và hướng dẫn người bệnh cần phải làm gì khi bị chảy máu vùng kín. Tiếp theo, bác sĩ sẽ chỉ định một phương pháp điều trị phù hợp:

6.1. Sử dụng thuốc

Sau khi đã xác định được nguyên nhân gây ra xuất huyết tử cung, hầu hết bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thuốc. Việc dùng thuốc gì, khi nào và với liều lượng bao nhiêu là tùy thuộc vào bác sĩ điều trị. Các thuốc điều trị được sử dụng có thể bao gồm những tác dụng sau đây:

Ngừa thai bằng nội tiết tố, điều hòa chu kỳ kinh nguyệt.

Ngăn chặn chu kỳ kinh nguyệt và giảm kích thước của u xơ tử cung.

Điều trị tình trạng chảy máu vùng kín nặng.

Chống viêm, kiểm soát tình trạng chảy máu, giảm đau bụng kinh.

Điều trị nhiễm trùng nếu có.

Nếu bị rối loạn chảy máu, có thể bao gồm thuốc giúp đông máu.

6.2. Phẫu thuật

Trong trường hợp thuốc không thể giải quyết được vấn đề, bệnh nhân có thể phải cần đến phẫu thuật. Việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật như thế nào tùy thuộc vào tình trạng chảy máu, độ tuổi và quyết định của bạn đối với việc có muốn sinh thêm con hay không. Những phương pháp phẫu thuật được sử dụng để điều trị xuất huyết tử cung bất thường:

Loại bỏ lớp niêm mạc tử cung: Giúp chấm dứt tình trạng chảy máu hoặc giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, khả năng mang thai cũng không còn sau khi thực hiện. Thế nhưng, điều đó vẫn có thể xảy ra, hậu quả có thể xảy ra hàng loạt các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm cả xuất huyết dữ dội, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Nếu thực hiện phẫu thuật này, tốt nhất là nên sử dụng biện pháp tránh thai dài hạn đến sau khi mãn kinh.

Làm thuyên tắc động mạch tử cung: Được sử dụng để điều trị u xơ tử cung. Phẫu thuật này giúp chặn các mạch máu đến tử cung, từ đó hạn chế nguồn cung cấp máu đến khối u xơ. Một phương pháp điều trị khác không ảnh hưởng đến tử cung, đó là phẫu thuật loại bỏ u xơ.

Phẫu thuật cắt bỏ tử cung: Sử dụng khi các phương pháp điều trị khác đã thất bại. Cắt tử cung cũng là phẫu thuật để điều trị ung thư nội mạc tử cung. Sau khi tử cung được loại bỏ, người phụ nữ sẽ không thể có kinh nguyệt nữa, đồng thời cũng không còn khả năng mang thai.

Chị em khi phát hiện bệnh không nên quá lo lắng, song không được chủ quan với tình trạng của mình. Hãy đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Duyen

Cùng chuyên mục

Nhân ngày tránh thai thế giới 26/09, cùng tìm hiểu về màng phim tránh thai

Màng phim tránh thai VCF (còn gọi là film tránh thai hay màng tránh thai) là lựa chọn biện pháp tránh thai. Nhưng màng phim...

Để cuộc nói chuyện về giới tính với con trở nên tinh tế

Giáo dục giới tính cho trẻ giúp trẻ hiểu rõ về bản thân, có khả năng tránh khỏi nhiều nguy cơ xấu. Song trong...

Những sai lầm của cha mẹ khi giáo dục giới tính cho trẻ

Xung quanh việc giáo dục giới tính cho trẻ, bản thân cha mẹ vẫn có những hiểu nhầm, từ đó việc làm thế nào...

Con xuất hiện xu hướng đồng tính, phụ huynh cần làm gì?

Mỗi cá nhân sẽ có 4 đặc điểm: Giới tính sinh học, bản dạng giới, thể hiện giới, xu hướng tính dục. Các...