789

Tiếp xúc với HIV sau bao lâu thì xét nghiệm ra HIV?

Thứ Bảy, 19/10/2019 11:55 AM (GMT+7)

Không có xét nghiệm HIV nào có thể phát hiện được HIV ngay sau khi bị phơi nhiễm. Chính vì vậy, nếu bạn nghĩ rằng mình đã bị phơi nhiễm HIV trong vòng 72 giờ qua, hãy trao đổi với các bác sĩ để điều trị dự phòng sau phơi nhiễm ngay lập tức.

xet-nghiem-hiv

Khi nào nên xét nghiệm HIV?

Theo khuyến cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), tất cả mọi người trong độ tuổi từ 13 đến 64 đều nên xét nghiệm HIV ít nhất một lần như là một phần của việc chăm sóc sức khỏe định kỳ, bởi có khoảng 1 trong 7 người Hoa Kỳ bị nhiễm HIV mà họ không biết rằng họ đã mắc phải căn bệnh này.

Với những người có nguy cơ cao hơn nên kiểm tra thường xuyên hơn. Nếu bạn có kết quả xét nghiệm HIV âm tính trong lần cuối cùng hoặc xét nghiệm đã được thực hiện hơn một năm trước, và thuộc một trong số những người có đặc điểm dưới đây thì bạn nên đi xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt:

Người có quan hệ đồng tính nam.

Đã có quan hệ tình dục qua đường hậu môn hoặc âm đạo với một người dương tính với HIV.

Đã quan hệ với nhiều người kể từ lần xét nghiệm HIV cuối cùng.

Sử dụng chung bơm kim tiêm hoặc vật dụng khác như nước hoặc bông y tế với người khác.

Đã từng bán dâm.

Đã từng được chẩn đoán/điều trị một bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.

Đã được chẩn đoán/điều trị lao hoặc viêm gan.

Đã có quan hệ tình dục với một ai đó có ít nhất một trong các đặc điểm kể trên.

Ngoài ra phụ nữ có thai cũng cần xét nghiệm HIV để có thể bảo vệ cả mẹ và con khỏi bị nhiễm HIV.

Xét nghiệm HIV ít nhất một lần như là một phần của việc chăm sóc sức khỏe định kỳ

Tiếp xúc với HIV sau bao lâu thì xét nghiệm ra HIV?

Không có xét nghiệm HIV nào có thể phát hiện được HIV ngay sau khi bị phơi nhiễm. Chính vì vậy, nếu bạn nghĩ rằng mình đã bị phơi nhiễm HIV trong vòng 72 giờ qua, hãy trao đổi với các bác sĩ để điều trị dự phòng sau phơi nhiễm ngay lập tức.

Khoảng thời gian kể từ khi một người có thể bị phơi nhiễm HIV cho đến khi xét nghiệm có thể phát hiện chắc chắn có bị nhiễm HIV hay không được gọi là giai đoạn “cửa sổ”. Thời gian của giai đoạn này thay đổi tùy theo từng người và tùy thuộc vào loại xét nghiệm được sử dụng để phát hiện HIV.

Một số loại xét nghiệm thường dùng để phát hiện HIV:

Xét nghiệm axit nucleic (NAT): thường có thể phát hiện nhiễm HIV trong vòng từ 10 - 33 ngày kể từ khi tiếp xúc với HIV.

Xét nghiệm kháng nguyên - kháng thể thực hiện bằng máu tĩnh mạch có thể phát hiện nhiễm HIV từ 18 - 45 ngày sau khi tiếp xúc với HIV.

Xét nghiệm kháng nguyên - kháng thể được thực hiện bằng máu từ ngón tay có thể phải mất nhiều thời gian hơn để phát hiện HIV, thường từ 18 - 90 ngày sau khi tiếp xúc với HIV.

Trong trường hợp cần làm xét nghiệm để khẳng định chắc chắn không bị nhiễm HIV thì xét nghiệm kháng nguyên - kháng thể bằng máu tĩnh mạch sẽ được ưu tiên lựa chọn.

Xét nghiệm kháng thể thường mất từ 23 - 90 ngày để phát hiện nhiễm HIV một cách đáng tin cậy. Hầu hết các loại xét nghiệm nhanh và các loại xét nghiệm làm tại nhà đều là xét nghiệm kháng thể. Nói chung, các loại xét nghiệm kháng thể sử dụng máu tĩnh mạch có thể phát hiện HIV sớm hơn kể từ khi bị nhiễm bệnh so với các xét nghiệm bằng máu từ ngón tay hoặc bằng dung dịch uống.

Bạn cần trao đổi với bác sĩ về tình hình sức khỏe của bạn và khoảng thời gian cửa sổ cho việc kiểm tra. Nếu bạn làm xét nghiệm HIV sau khi phơi nhiễm HIV tiềm ẩn và kết quả là âm tính, bạn cần kiểm tra lại sau khoảng thời gian cho phép thử, để biết chắc chắn bạn có bị nhiễm HIV hay không theo lịch sau:

Nếu bạn sử dụng xét nghiệm kháng nguyên - kháng thể bằng máu tĩnh mạch, bạn nên làm xét nghiệm lại 45 ngày sau lần tiếp xúc gần nhất.

Nếu bạn làm các xét nghiệm khác, bạn nên kiểm tra lại ít nhất là 90 ngày sau lần phơi nhiễm gần nhất.

Như vậy, không nên làm xét nghiệm HIV ngay sau khi tiếp xúc với HIV. Thời gian nên thực hiện xét nghiệm HIV sau bao lâu kể từ khi tiếp xúc với HIV tùy thuộc vào từng bệnh nhân và loại xét nghiệm được sử dụng. Chính vì vậy bạn cần trao đổi kỹ với bác sĩ chuyên khoa trước khi tiến hành làm xét nghiệm.

HIV có mấy giai đoạn?

Giai đoạn phơi nhiễm HIV

Giai đoạn phơi nhiễm HIV là giai đoạn khi mới tiếp xúc với nguồn lây bệnh, có nguy cơ bị nhiễm HIV như:

Quan hệ tình dục không an toàn: Qua hậu môn hoặc âm đạo không sử dụng bao cao su, bằng miệng không dùng dụng cụ phòng ngừa (bảo vệ răng miệng) với người bị nhiễm HIV, bị cưỡng dâm...

Dùng chung kim tiêm hoặc chung dụng cụ nếu chích ma túy.

Những người làm trong ngành nghề có thể tiếp xúc với nguồn lây bệnh như công an, nhân viên y tế...

Bị máu hay chất dịch của cơ thể của người có HIV bắn vào các vùng da bị tổn thương trên cơ thể hoặc bắn vào niêm mạc như mắt, mũi, họng...

Làm gì khi bị phơi nhiễm với HIV?

Nếu cơ thể bị các vết thương chảy máu, cần rửa ngay vết thương dưới vòi nước, để vết thương chảy máu trong thời gian ngắn sau đó sửa kỹ bằng xà phòng, sát trùng bằng các dung dịch sát khuẩn trong thời gian ít nhất là 5 phút.

Nếu phơi nhiễm qua tiếp xúc niêm mạc mắt: Rửa bằng nước cất hoặc nước muối NaCL 0,9% liên tục trong vòng 5 phút.

Qua niêm mạc miệng, mũi: Rửa bằng nước cất hoặc nước muối NaCL 0,9% và súc miệng bằng nước muối sinh lý 0,9% nhiều lần.

Liên hệ tới cơ sở y tế để được điều trị chống phơi nhiễm. Dùng thuốc ngay sau khi tiếp xúc rất quan trong vì có thể ngăn ngừa nhiễm virus HIV. Thuốc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm ngày được cải tiến với tỷ lệ thành công lên đến 95-99%. Hiệu quả của điều trị sẽ cao nhất trong vài giờ đầu sau khi phơi nhiễm, giảm dần theo thời gian và có thể không có hiệu quả sau mốc 72 giờ tính từ lúc phơi nhiễm.

Không phải cứ phơi nhiễm với HIV (có tiếp xúc qua đường tình dục, đường máu với người nhiễm HIV) là sẽ bị HIV. Nên trong giai đoạn này cần liên hệ để được sử dụng thuốc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm để giảm nguy cơ mắc nhiễm HIV mạn tính.

HIV giai đoạn 1

Giai đoạn 1 hay còn gọi giai đoạn cấp tính của bệnh, các triệu chứng xảy ra sau khoảng 2-4 tuần sau khi phơi nhiễm với virus HIV.Đặc điểm của giai đoạn 1:

 Các triệu chứng có thể nhẹ, mà người bệnh có thể không chú ý đến.

Giai đoạn này virus đang sinh sôi và lây lan khắp cơ thể.

Khả năng lây truyền virus HIV trong thời gian này là cao nhất vì số lượng virus trong máu rất cao.

Dấu hiệu bệnh HIV giai đoạn 1: Các triệu chứng có thể dễ bị nhầm lẫn với các bệnh nhiễm virus thông thường.

Sốt và ớn lạnh: Người bệnh Sốt nhẹ từ 37,5 độ C đến 38 độ C, kèm theo ớn lạnh là một trong những triệu chứng HIV phổ biến nhất.

Mệt mỏi, buồn ngủ.

Đau nhức người, đau đầu, đau các khớp.

Đau họng: Viêm họng gây khó nuốt và đau họng.

Nổi hạch cổ, nách và bẹn.

Phát ban đỏ ở da: Là triệu chứng phổ biến nhất khi nhiễm HIV trong vòng 2 đến 3 tuần sau khi bị virus xâm nhập.

Buồn nôn, tiêu chảy

Các triệu chứng ít gặp hơn ở giai đoạn này gồm: Giảm cân không rõ nguyên nhân, bị nấm, tưa miệng hay nhiễm trùng, rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ.

Bệnh HIV giai đoạn 2

Giai đoạn này hay còn gọi là giai đoạn ẩn là giai đoạn không biểu hiện triệu chứng.

Những đặc điểm của giai đoạn 2:

Giai đoạn này có thể kéo dài nhiều năm mà không có bất kỳ triệu chứng nào.

Cũng có thể ở một số người có những triệu chứng hạn chế liên quan đến nhiễm HIV trong giai đoạn này.

Trong giai đoạn này virus có trong cơ thể nhưng không tấn công hệ miễn dịch, việc điều trị trong giai đoạn này rất quan trọng.

Giai đoạn này vẫn có khả năng lây lan bệnh.

 Bệnh HIV giai đoạn 3

Hay gọi là bệnh hiv giai đoạn cuối, lúc này người bệnh đã bị AIDS ( (Hội Chứng Suy Giảm Miễn Dịch Mắc Phải).

Giai đoạn này có những đặc điểm sau:

Thường diễn ra sau nhiều năm từ khi bị lây nhiễm HIV.

Khi bị AIDS phản ứng miễn dịch rất yếu và mất khả năng kháng nhiễm.

Các triệu chứng trong giai đoạn này rất khác nhau, chủ yếu là biểu hiện các bệnh nhiễm trùng cơ hội...

Điều trị trong giai đoạn này gặp khó khăn hơn, nhưng vẫn có thuốc điều trị. Việc điều trị chủ yếu là kháng virus và điều trị các bệnh cơ hội.

Ở giai đoạn này người bệnh vẫn có thể lây nhiễm bệnh cho người khác.

Biểu hiện lâm sàng của người bệnh trong giai đoạn cuối liên quan đến suy giảm miễn dịch và các bệnh lý cơ hội, có thể có những biểu hiện sau:

Người bệnh xuất hiện sốt kéo dài, nổi hạch, giảm cân không rõ nguyên nhân.

Viêm họng, lở loét miệng, nấm miệng, viêm nhiễm đường hô hấp, lao phổi, viêm màng não, viêm não do vi sinh vật...

Tiêu chảy mạn tính.

Nổi mẩn trên da, viêm nang lông...

Mệt mỏi, khó tập chung,

Phòng ngừa HIV như thế nào?

Giai đoạn phơi nhiễm hiv

Phòng ngừa HIV bằng giáo dục tình dục lành mạnh, tình yêu chung thuỷ, hạn chế số lượng bạn tình

Phòng chống lây bệnh qua đường tình dục

Giáo dục tình dục lành mạnh, tình yêu chung thuỷ, hạn chế số lượng bạn tình.

Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su, dụng cụ che răng miệng khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, miệng, hoặc hậu môn.

Phòng chống lây qua đường máu

Kiểm tra HIV tất cả các mẫu máu truyền bằng kỹ thuật tin cậy nhất..

Các sản phẩm của máu phải kiểm tra HIV chặt chẽ.

Các tổ chức bán các sản phẩm của máu phải có giấy xác nhận sản phẩm đã được kiểm tra HIV.

Không dùng bơm kim tiêm chung.

Tuân thủ nguyên tắc tiệt trùng trong thực hành y học, bơm kim tiêm 1 lần.

Giáo dục và quy định nguyên tắc tiệt trùng các dụng cụ chuyên gia như xăm mình, bấm lỗ tai.

Xét nghiệm sàng lọc kỹ người cho tinh dịch, cơ quan.

Phòng chống lây nhiễm từ mẹ sang con

Điều trị thuốc kháng virus cho mẹ

Điều trị dự phòng cho con sau khi sinh

Nên đẻ mổ và sau sinh không nuôi con bằng sữa mẹ.

Điều trị HIV ngay từ giai đoạn đầu mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Trên đây là các đặc điểm và triệu chứng của từng giai đoạn bệnh HIV. Nếu có các dấu hiệu hay có nguy cơ phơi nhiễm với HIV nên chủ động làm xét nghiệm sàng lọc bệnh sớm đem lại cơ hội kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.

Duyen

Cùng chuyên mục

Nhân ngày tránh thai thế giới 26/09, cùng tìm hiểu về màng phim tránh thai

Màng phim tránh thai VCF (còn gọi là film tránh thai hay màng tránh thai) là lựa chọn biện pháp tránh thai. Nhưng màng phim...

Để cuộc nói chuyện về giới tính với con trở nên tinh tế

Giáo dục giới tính cho trẻ giúp trẻ hiểu rõ về bản thân, có khả năng tránh khỏi nhiều nguy cơ xấu. Song trong...

Những sai lầm của cha mẹ khi giáo dục giới tính cho trẻ

Xung quanh việc giáo dục giới tính cho trẻ, bản thân cha mẹ vẫn có những hiểu nhầm, từ đó việc làm thế nào...

Con xuất hiện xu hướng đồng tính, phụ huynh cần làm gì?

Mỗi cá nhân sẽ có 4 đặc điểm: Giới tính sinh học, bản dạng giới, thể hiện giới, xu hướng tính dục. Các...